(Gotrangtri.vn) Nghề đan đó đã gắn bó với người dân làng Thủ Sỹ bao đời nay và trở thành một trong những nghề thủ công truyền thống có lịch sử tồn tại lâu nhất hiện nay.
Hãy cùng Portfolio về thăm làng đan đó Thủ Sỹ để khám phá những nét độc đáo của làng nghề này nhé!
Làng đan đó Thủ Sỹ có từ bao giờ?
Làng đan đó Thủ Sỹ thuộc địa phận xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên – cách thành phố Hà Nội chừng 60km.
Không rõ nghề đan đó đã hình thành ở đây tự bao giờ, không có tài liệu nào ghi chép lại, chỉ biết là, người dân ở Thủ Sỹ ai ai cũng biết làm nghề.
Theo lời các cụ cao niên ở đây kể lại, đã có thời ở Thủ Sỹ nhà nhà đan đó, người người đan đó, nhất là vào mùa nông nhàn, sau khi đã thu hoạch xong vụ mùa, cả làng bắt đầu vào mùa đan đó.
Vừa bước vào cổng làng đã thấy nhà ai cũng giăng la liệt đó đứng, đố ngồi, nằm, rồi đăng, đáy… Ngày đó, tiếng chẻ tre rộn khắp cả làng, nghe rào rào như mưa.
Thời hoàng kim của làng, nghề đan đó có thể đem lại 50% thu nhập hàng tháng cho dân làng, các sản phẩm đó của Thủ Sỹ có mặt ở khắp các chợ làng, chợ huyện và sang cả các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, nghề đan đó ở làng đến nay không còn phát triển như trước. Người ta không còn đánh đá, bẫy tôm nên người mua đó cũng không còn, các gia đình cũng ngậm ngùi đành bỏ nghề đã từng nuôi sống cả gia đình mình.
Số người theo nghề ở làng đó Thủ Sỹ tuy không nhiều nhưng nơi đây vẫn giữ nghề truyền thống bởi vẫn còn có những người nông dân yêu và nhiệt huyết với nghề, quyết giữ nghề và đó cũng là niềm vui và là nguồn thu nhập chính cho những lao động lớn tuổi ở làng.
Nghề đan đó không giàu nhưng cho thu nhập ổn định và đồng đều, từng bước tạo nên thương hiệu đó, rọ Thủ Sỹ. Hàng năm, Thủ Sỹ cung cấp khoảng 650.000 sản phẩm cho các tỉnh như Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang… nơi có những cánh đồng chiêm trũng và nhiều kênh mương, sông ngòi.
Làng đan đó Thủ Sỹ: Cần cù với từng sợi đan
Những cụ cao niên ở làng đã gắn bó cả đời với nghề đan đó cho biết: Nguyên liệu để làm ra những chiếc đó là tre hoặc loại nứa già – một nguồn nguyên liệu cũng rất thân thuộc với người nông dân Việt Nam qua các thời kì.
- Tưng bừng không khí lễ hội Ka Tê của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận
- Độc đáo nghề làm trống của người Dao đỏ ỏ Tả Phìn, Sapa, Lào Cai
- Nghề làm giấy dó của người Dao đỏ: dấu ấn văn hóa tâm linh độc đáo
Đầu tiên, người thợ phải chẻ những loại nan khác nhau phục vụ cho việc đan đó. Mỗi loại nan có kích cỡ khác nhau, phải được vót thật đều và mỏng. Dùng tay và cằm vót nan được coi là cách làm phổ biến của người dân nơi đây.
Đa phần công đoạn này do đàn ông thực hiện. Nan sau khi được chẻ gọn gẽ và chia ra từng loại, có độ dài vừa phải và kích cỡ tiêu chuẩn cho từng loại sản phẩm.
Để đan được một chiếc đó, không chỉ cần sự khéo léo, tỉ mỉ để tạo ra những sản phẩm tinh tế, bền chặt mà còn cần sự kiên nhẫn, chăm chỉ và tình yêu nghề của người đan.
Đó có hình dạng khá đặc trưng: hình bầu dục, đuôi nhọn, miệng nhỏ tròn, nắp miệng là chiếc hom. Một người lành nghề mất khoảng 15-20 phút để tạo nên một chiếc đó hoàn chỉnh.
Làm đó có lẽ dễ đan nhất là đan hom miệng, khó nhất là phần cạp, vành miệng và đan kết thúc đuôi. Trong các loại đó bắt cá thì chỉ có lừ bóng và đó ngồi hai cửa là khó nhất.
Loại đó hai cửa phải trải qua nhiều khâu: Chọn tre giao lóng, đúng độ tuổi, ra nan phải đều đẹp, bó từng bó dùng chân đạp làm cho nan tròn, sạch, mịn, dóc “chân rít” thành mê để đan, kết tràng (thắt lưng, cổ vai, bụng), cuối cùng vào đáy lên vành và xoáy đầu lên lưng.
Lừ bóng chủ yếu dùng để bắt các loại cá nhỏ như cá rô, cá diếc, thia, cá chù, cá cấn. Loại đó này phải dùng nan nhỏ để đan thì cá mới không bị lọt và đó mới bền nên phải dùng nguyên liệu là loại trúc đang trưởng thành, vừa có độ cứng lại vừa có độ dẻo dai.
Còn các loại đó nằm, nơm, đăng, đáy thì làm đơn giản hơn. Những chiếc đó khi hoàn thiện sẽ được đem hong trên gác bếp, làm tăng độ bền cho sản phẩm.
Đó cũng có 3-4 loại, trong đó có 2 loại chính là đó hun và đó trắng. Đó trắng rẻ hơn, có giá khoảng 20.000 đồng một chiếc. Đó hun được làm kỳ công, hun khói 3 lần cho lên màu.
Đó hun bền hơn, không bị rêu bám và có giá khoảng 30.000-40.000 đồng một chiếc. Ngoài sản phẩm đó ra thì người dân nơi đây còn tạo ra những chiếc rọ, lờ, giỏ… cũng là những thứ dùng để bắt tôm, cua, cá…
Một chiếc đó đẹp là một chiếc đó phải được đan bằng loại nan chẻ ra phơi khô, nhúng nan vào nước vôi; đường đan cân đối, các lớp đan phải đều nhau; đó được hun bằng rơm, hun qua 3 lửa mới đẹp được. Nghệ thuật hun rất khó, các cụ bà hun là đẹp nhất.
Trên đây là một vài thông tin hữu ích về làng nghề đan đó Thủ Sỹ.
Trong các bài viết sau, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu tới Quý độc giả những nghề thủ công mỹ nghệ độc đáo trên các vùng địa phương khác nhau. Đừng quên theo dõi gotrangtri.vn và đặt yêu cầu tư vấn thiết kế nội thất bạn nhé!