(Gotrangtri.vn) – So với nhà trình tường của người Lô Lô, Hà Nhì, Dao, Tày… nhà trình tường của người Mông có những nét đặc trưng riêng rất khác biệt, trở thành một trong những nét văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc này.
Hãy cùng Portfolio khám phá nghệ thuật xây nhà trình tường của người Mông nhé!
Nhà trình tường của người Mông có gì độc đáo?
Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam, người Mông là một trong những tộc người lưu trú ở địa hình vùng núi cao.
Để chống chọi với điều kiện khí hậu này, đồng bào Mông đã xây dựng nên những ngôi nhà trình tường với thiết kế rất đặc trưng, dựa lưng vào núi, mát dịu vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.
Thoắt nhìn, nhà trình tường của người Mông rất mộc mạc, nguyên sơ với hai màu sắc chủ đạo là màu vàng nâu của đất và màu xám ngoét cả đá.
Nhưng chính sự đơn giản ấy lại làm nên “hồn cốt” của vùng đất nơi họ sinh sống, nhất là vào mùa đông, khi các loài hoa như đào, mận, mơ, lê đua nhau nở rộ quanh nhà, khắp các sườn núi.
Tất cả như hòa quyện tạo nên một bức tranh thiên nhiên độc đáo giữa miền cao nguyên đá khiến bất cứ ai ngang qua cũng phải xiêu lòng, dừng chân để lưu lại một khoảnh khắc đáng nhớ.
Tìm hiểu nghệ thuật xây nhà trình tường của người Mông
Thông thường, nhà trình tường của người Mông nằm rải rác trên các sườn núi, có khi chỉ có vài mái nhà, có khi lại quây tụ theo từng làng bản.
Tuy là tộc người chuyên sống trên núi cao, không được tiếp cận với nền kinh tế thị trường hiện đại nhưng người Mông lại sở hữu những bí kíp kỹ thuật dựng nhà vô cùng kiên cố và điêu luyện.
Để dựng được một ngôi nhà trình tường, người Mông phải cực kì kĩ càng trong việc chọn nguồn nguyên vật liệu.
Loại đất để xây nhà phải là loại đất có độ kết dính cao, không được lẫn các tạp chất như đá, rễ cây hay cỏ rác.
Trước khi trình tường, người ta làm những chiếc khuôn gỗ rộng chừng nửa mét, chiều dài 1,5m để đổ đất vào bên trong khuôn, sử dụng những chiếc vồ nện để đất được nén chặt.
Trong suốt quá trình nện đất này, người Mông quan niệm không được cho phụ nữ và người lạ đến gần.
Tiếp sau đó, chủ nhà sẽ xem ngày lành tháng tốt, hợp với tuổi của mình để vào rừng chặt hạ cây cột cái và cây đòn nóc – hai cây cột này có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông, nhất là trong tang ma.
Trước khi chặt cây, chủ nhà phải làm lễ xin phép thần rừng cho chặt cây về làm nhà bởi người Mông quan niệm rằng làm như thế thần rừng không quở mắng và nhà cửa mới yên vui, mọi người khỏe mạnh, ăn nên làm ra, gia đình hạnh phúc.
Thủ tục hành lễ rất đơn giản, họ chỉ cần thắp ba nén hương, cắm ba tờ giấy bản vào gốc cây và đọc lời khấn. Sau khi xin được cây rừng, gia chủ sẽ tiến hành chặt cây cột cái, và cây đòn nóc, hai loại cây này đều phải là những cây không bị sâu, thối, hoặc cụt ngọn..
Đặc biệt, cây đòn nóc khi chặt về không được đặt xuống đất mà phải đưa lên nóc nhà ngay.
Cuối cùng là khâu lợp mái. Người Mông thường chọn loại mái ngói hoặc mái tranh, khi kết hợp với tường đất sẽ giúp ngôi nhà điều hòa nhiệt độ suốt trong năm.
Về mặt kết cấu, nhà trình tường của người Mông thường có 3 gian, bất kể diện tích xây nhà to hay nhỏ.
Trong 3 gian nhà trình tường ấy, người Mông bố trí gian bên phải đặt bếp sưởi và giường khách, gian bên trái dùng để đặt bếp lò và chỗ ngủ của vợ chồng chủ nhà, gian giữa rộng hơn để đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình.
Bên cạnh đó, người Mông cũng có những quy tắc, luật lệ riêng trong việc bố trí sắp xếp giường ngủ: phòng ngủ của vợ chồng, con cái phải bố trí riêng, nơi ngủ của con, em dâu thì bố, anh chồng không được vào và ngược lại, em dâu không được phép vào nơi ngủ của bố chồng, anh chồng.
Ngôi nhà có thể có một hoặc hai chái nhà để đặt cối xay ngô hoặc cối giã gạo…
Ngoài ra, mỗi một nhà trình tường của người Mông đều được bố trí sàn gác phía trên để cất giữ đồ đạc, lương thực, thực phẩm.
Đặc biệt, người Mông cũng vô cùng khắt khe trong việc lựa chọn gỗ để làm cửa chính.
Loại gỗ làm cửa chính phải là loại gỗ tốt, phải thiết kế theo kiểu mở vào trong chứ không mở ra ngoài và then cài phải là then gỗ mà không dùng then sắt bởi theo quan niệm của người Mông, cài then sắt thì sẽ lạnh, lòng bụng của con người không thật.
Bên ngoài cửa chính lúc nào cũng treo một tấm vải đỏ, nhà còn có thêm cửa phụ và cửa sổ thoáng khí làm bằng gỗ hoặc thân trúc hoặc mai già. Cùng với việc làm nhà mới là làm chuồng gia súc.
Người Mông thường bố trí chuồng gia súc chếch với cửa chính, tuỳ thuộc vào hướng gió. Một điểm khá lạ và cũng rất đặc biệt, đó là người Mông có khi còn làm chuồng gia súc tốt hơn làm nhà ở vì hộ rất yêu quý gia súc.
Trước khi làm chuồng gia súc, hộ đều phải xem ngày tháng đẹp, thắp hương cúng ma chuồng, ma trại phù hộ cho gia súc hay ăn chóng lớn, dễ nuôi.
Tất cả khuôn viên căn nhà trình tường của người Mông đều được gói gọn trong phạm vị hàng rào đá được dựng vô cùng chắc chắn.
Để có được hàng rào đá hoàn chỉnh, họ mất hàng tháng trời nhặt những mảnh đá vỡ quanh nhà về và kì côn xếp thành hàng rào đá.
Những tảng đá góc cạnh có kích cỡ khác nhau được khéo léo xếp lèn vào nhau, tạo nên bức tường bao kiên cố, phẳng mà không cần sử dụng chất kết dính nào.
Trải qua hàng thế kỷ, nhà trình tường của người Mông vẫn tồn tại và duy trì cho đến ngày nay.
Dù những ngôi nhà trình tường này đã có một vài nét cải tiến so với mẫu nhà trình tường truyền thống để phù hợp với điều kiện tự nhiên, cũng như trong sinh hoạt, lao động sản xuất nhưng toát lên những nét đặc trưng vốn có, không trộn lẫn với bất kì lối kiến trúc nào.
Ngoài kiến trúc xây dựng nhà trình tường kiên cố, người Mông còn sở hữu rất nhiều nét đặc trưng độc đáo trong đời sống văn hóa cũng như tập tục sinh hoạt hằng ngày, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu tới Quý độc giả trong những bài viết sau.
Đừng quên ghé xem chuyên trang gotrangtri.vn hàng ngày để đón đọc những bài viết hay về thiết kế nội thất nhà đẹp nhé!