(Gotrangtri.vn) Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Huế là một trong 2 nhà thờ đẹp và có kiến trúc ấn tượng trên mảnh đất cố đô. Đây cũng là nhà thờ Công giáo to lớn và tráng lệ vào bậc nhất ở Việt Nam.
Trong bài viết hôm nay, mời quý độc giả của Portfolio khám phá những nét đẹp khác biệt của nhà thờ dòng chúa cứu thế đẹp nhất ở Huế nhé!
1. Khám phá nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế đẹp nhất trên đất Huế
Bên cạnh các công trình kiến trúc độc đáo của nhà Nguyễn, Huế cũng được biết đến với những nhà thờ Công giáo có kiến trúc độc đáo và vô cùng bề thế. Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế là một công trình nổi bật trong số này.
1.1 Lịch sử ra đời
Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế hay còn được gọi với cái tên khác là nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Tiền thân của công trình độc đáo này là một nhà nguyện đường nhỏ của các tu sĩ thuộc Cộng đoàn tu viện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Huế tạo lập vào năm 1933. Đây là điểm đến được khách du lịch rất yêu thích khi đến Huế.
Ngày 14 tháng 10 năm 1925, theo lời mời gọi của Tòa Thánh, ba vị thừa sai đầu tiên từ Canada lên đường lập Tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, đó là linh mục Hubert Cousineau, linh mục Eugène Larouche, và tu sĩ Barnabé St-Pierre.
Ba vị thừa sai này sau khi đến Huế đã chọn ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1925 làm ngày khai sinh cộng đoàn Tu Viện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Huế.
Ngày 13 tháng 9 năm 1927, cộng đoàn tu sĩ này mua một khu đất mà hiện nay chính là tu viện.
Ngày 5 tháng 6 năm 1954, giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Huế được thành lập trên cơ sở một bản hợp đồng ký kết giữa Giáo phận Huế và Cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Huế.
Sự thành lập giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Huế đã kéo theo nhu cầu cần có một nơi hành lễ mới cho tu sĩ và giáo dân ở giáo xứ mới này. Sau đó vài năm, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế chính thức khởi công xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư Nguyễn Mỹ Lộc.
Lễ khánh thành và cung hiến được tổ chức vào 12 tháng 8 năm 1962 dưới sự chủ trì của Tổng giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục.
1.2. Vị trí của nhà thờ
Vị trí của nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế khá đặc biệt: ngay sau lưng của nhà thờ là cung điện mùa hè An Định được xây dựng dưới thời vua Khải Định, bên bờ sông đào An Cựu.
Trước đây, khu vực đồng ruộng An Cựu là nơi trồng và sản xuất ra một loại lúa gạo rất đặc biệt có tên gạo de. Dưới thời Nguyễn, loại gạo này thường xuyên được tiến cung để sử dụng trong những bữa ngự thiện của nhà vua hoặc các buổi yến tiệc chốn cung đình.
Khu vực nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ngày nay nằm tại địa chỉ là 142 Nguyễn Huệ, Phường Phú Nhuận, TP. Huế.
2. Kiến trúc nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Huế
2.1. Mặt bằng bên ngoài nhà thờ
Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế là một trong những công trình điển hình cho việc tổng hòa kiến trúc Đông – Tây trong thiết kế.
Mặt bằng kiến trúc của nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế mang hình thánh giá theo chuẩn mực của các nhà thờ cổ điển châu Âu, nhưng nếu xét về tổng thể thì những đường nét, kiểu thức ảnh hưởng từ kiến trúc Á Đông được thể hiện rất rõ qua kiến trúc của nhà thờ.
Ngoài ra, phần tháp chuông hình bát giác với mái giật cấp mang phong cách đặc trưng các chùa tháp truyền thống Việt Nam rất rõ nét.
Khuôn viên nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế vô cùng rộng lớn và có hình tam giác, đỉnh là ngã ba đường Nguyễn Huệ và Nguyễn Khuyến.
Ở phía trước nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế có tượng Chúa Giêsu, phía sau bên trái là hang Đức Mẹ sinh chúa Hài Đồng, chính giữa nhà thờ là tháp chuông gồm ba tầng mà một chóp có độ cao 53 m.
Mặt bằng kiến trúc chính của nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế sâu 70 m, bề ngang từ 15–37 m. Vật liệu chính xây nhà thờ này là bê tông và đá xanh, mái lợp ngói đất nung với màu sắc rất bắt mắt.
2.2. Thiết kế bên trong nhà thờ
Lòng nhà thờ rộng khoảng 38 m thể hiện sự tài tình của người thiết kế trong việc điều chỉnh tỉ lệ và phối hợp hai luồng ảnh hưởng đông – tây.
Vòm nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế cao rộng với sự phối trí cột vách và phần vòm cao rộng mang dáng dấp Gothic. Hệ thống cửa sổ dày đặc giúp cho lòng nhà thờ luôn tràn ngập ánh sáng tự nhiên mà không cần sử dụng đến hệ thống đèn quá nhiều.
Điều đặc biệt của nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế là sự phối hợp hài hòa về màu sắc của hệ thống kính màu gợi sự liên tưởng đến hệ ngũ sắc truyền thống được sử dụng trong ô hộc pháp lam và những trang trí thường gặp ở các công trình cung điện đền đài trong kinh thành Huế.
Kiến trúc đặc biệt của nhà thờ là cửa rộng và không có vách mà sử dụng kính màu thay cho toàn bộ phần vách tạo nên vẻ rực rỡ nhưng vẫn không kém phần uy nghi cho khu vực cung thánh của nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế.
3. Những công trình nổi tiếng khác nức tiếng gần xa ở xứ Huế
Ngoài nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, trên mảnh đất cố đô còn có hệ thống những công trình kiến trúc đặc sắc khác gắn liền với triều Nguyễn của Việt Nam.
4. Lời kết
Ở Huế vốn nổi tiếng với những công trình đền đài, lăng tẩm và chùa chiền mang nét u hoài, cổ kính gắn với triều Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam.
Thế nhưng ở một góc độ nào đó, những ngôi nhà thờ như nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế mang lại cho nơi này những “miền giáo đường” tĩnh lặng rất riêng.
Trên đây là những thông tin về nhà thờ dòng chúa cứu thế ở Huế, đây là một trong 2 nhà thờ được đánh giá là đẹp nhất ở Huế.
Nếu có dịp ghé thăm mảnh đất cố đô, bạn đừng quên đến nhà thờ này và những công trình lăng tẩm, đền đài…. mà chúng tôi đã giới thiệu để chiêm ngưỡng nét kiến trúc ấn tượng.
Đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo trên gotrangtri.vn để cập nhật những công trình xây dựng độc đáo khác và ngắm những mẫu thiết kế nội thất mới nhất nhé!
Thái Sương – Tổng hợp