Hotline tư vấn

0899-189-455
nha-san-cua-nguoi-muong-7

Khám phá nét độc đáo trong kiến trúc nhà sàn của người Mường cổ

Chuyên mục: Làng nghề


(Gotrangtri.vn) – Nhà sàn làm một kiến trúc truyền thống của cộng đồng người dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và của dân tộc Mường nói riêng.

Trải qua nhiều thế kỉ đến nay, nhà sàn của người Mường vẫn mang một nét đặc trưng riêng, được coi là minh chứng rõ nét nhất về cuộc sống và những phong tục, tập quán đẹp đẽ của người Mường.

Hãy cùng Portfolio tìm hiểu về kiến trúc độc đáo này nhé!

Độc đáo cách dựng nhà sàn của người Mường

Theo tích xưa truyền lại, người Mường cổ thường cư trú, sinh sống theo từng bản làng với hình thái tổ chức xã hội đặc thù mà người xưa gọi là chế độ “lang đạo”.

Trong đó, các dòng họ thuộc tộc Mường như Bạch, Hà, Đinh, Quách…. mỗi họ lại chia nhau cai quản mỗi vùng đất khác nhau. Đứng đầu mỗi Mường có các Lang cun, dưới Lang cun có các Lang xóm hoặc Đạo xóm, cai quản một xóm.

Trong áng mo “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường cũng có đoạn kể rằng: có một vị lang đầu tiên cai quản xứ Mường trên là lang Đá Cần đi bẫy và bắt được một con rùa.

Con rùa van nài Lang đừng giết thịt nó, đổi lại, rùa sẽ trả ơn bằng cách mách cho vị lang nọ cách làm nhà sàn để tránh thú dữ.

Rùa dạy: “Bốn chân tôi là bốn cột cái/ Hai mai tôi là hai mái nhà/ Xương sống tôi là đòn nóc/ Chặt cây lim làm cột/ Lạt buộc bằng cây giang/ Cỏ gianh dùng để lợp”. Sau đó, vị lang này đã thả rùa và quay về bản dựng nhà theo như lời rùa. Từ đó, nhà sàn của người Mường ra đời.

Khám phá nét độc đáo trong kiến trúc nhà sàn của người Mường cổ

Chính vì thế, cho đến nay, người Mường quan niệm rùa không chỉ là con vật linh thiêng được tôn thờ mà còn sáng tạo ra một cách tính ngày tốt, giờ tốt gọi là phương pháp “trừ đá Rò” (Rò ở đây được hiểu là Rùa).

Phương pháp này dùng để tiến hành dựng nhà hay cưới hỏi và làm những việc quan trọng khác của làng và dân bản.

Khi nhà sàn được dựng lên, các cột cái trong nhà sàn được chôn sâu dưới đất làm trụ rất vững chãi, sàn nhà làm cao ráo cách mặt đất khoảng cách từ 2,5-3 m, lối đi xuống là chiếc cầu thang.

Nhưng đến ngày nay, người Mường lại biến tấu cách dựng nhà bằng cách: họ có thể không chôn cột mà nâng cột lên mặt đất kê lên những phiến đá, sàn nhà cũng không làm cao như trước.

Cách làm này giúp họ tránh được tình trạng mối mọt đục khoét làm giảm tính bền của cây cột cái. Mặc vù vậy, về mặt kết cấu chung, nguyên tắc cơ bản về kiến trúc ngôi nhà cũng không có sự thay đổi nhiều, vẫn giữ nguyên được nếp nhà sàn truyền thống.

Nhà sàn của người Mường có kết cấu rất đặc trưng

Người Mường xưa và nay không cho phép dựng nhà thành hàng, lối nhưng bao giờ, nhà sàn đều được dựng theo hướng dựa lưng vào núi, đồi (ở những nơi có thế đất cao), cửa chính quay ra hướng đón được tinh khí của trời đất vạn vật.

Họ quan niệm rằng, như thế mới đón được vượng khí vào nhà, quanh năm gặp được điều may mắn, con người có được sức khỏe, con vật không bị bệnh tật ốm đau, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.

Khám phá nét độc đáo trong kiến trúc nhà sàn của người Mường cổ

Kết cấu nhà sàn của người Mường khá đơn giản, thường có một gian, hai chái, chia làm 3 phần.

Trong đó: mặt trên cùng của nhà là nơi chứa lương thực dự trữ và đồ dùng gia đình, sàn nhà là nơi sinh hoạt của gia đình, và gầm sàn là nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm chứa dụng cụ sản xuất.

Mái nhà sàn cổ của người Mường thường được lợp bằng chất liệu lá cọ hoặc cỏ gianh, có 4 mái, 2 mái trước được dựng theo hình thang cân, 2 mái đầu hồi lại được dựng theo hình tam giác cân.

Nếu như nhà trình tường của người Mông sử dụng nguyên liệu cơ bản là đất thì nguyên liệu cơ bản được người Mường sử dụng để dựng nhà sàn là gỗ, thường là các loại gỗ trai, chò chỉ, nghiến, sến, táu, dổi, de, đinh, lát…

Ngoài gỗ để làm các chi tiết chính, nhà sàn của người Mường cần sử dụng các loại tre, bương, hóp để làm đòn tay, đan vách…

Cột nhà làm bằng gỗ tròn hoặc vuông nhưng phổ biến là tròn.

Trước đây nhà sàn cổ sử dụng đinh gỗ, đinh tre, chêm gỗ để cố định mộng chính và dùng các loại dây leo bện để níu những mộc phụ theo hình chữ X.

Hiện nay người Mường đã biết sử dụng đinh sắt để thay cho dây lạt, dây rừng có tuổi thọ không cao.

Khám phá nét độc đáo trong kiến trúc nhà sàn của người Mường cổ

Vì sàn nhà không tiếp giáp mặt đất nên người Mường phải dựng cầu thang lên xuống.

Thông thường, một căn nhà sàn có 2 cầu thang chính – phụ, trong đó cầu thang chính được đặt ở đầu hồi bên phải, dưới chân cầu thang đặt chiếc chạn đựng nước bằng ống bương để rửa chân tay trước khi bước lên nhà, là lối đi lại chuyên dành cho đàn ông trong nhà và khách ghé chơi; cầu thang phụ ở đầu hồi bên trái, chuyên dành cho đàn bà phụ nữ đi lại, gia chủ lúc làm bếp, lúc đi làm nương về, hoặc lúc xuống gầm sàn chăn nuôi gia súc gia cầm.

Cả hai loại cầu thang này đều được thiết kế có số bậc cầu thang phải là số lẻ bởi người Mường quan niệm, số lẻ của bậc thang thể hiện ước nguyện quy luật vào – ra – vào thì của cải sẽ không đi ra ngoài, gia đình luôn được êm ấm, đoàn tụ, con cháu thành đạt.

Số lượng bậc có thể là 3, 5, 7, 9… nhưng tuyệt đối không được là số chẵn.

Một điểm khá độc đáo nữa trong kết cấu không gian nhà sàn của người Mường, đó là lối thiết kế thông thủy.

Tức là, các gian trong nhà chỉ có sự phân cách mang tính tượng trưng, tuyệt nhiên không có vách ngăn chắc chắn.

Đặc biệt, không gian nhà bố trí khá linh hoạt, được chia theo cả chiều dọc và chiều ngang. Đi theo lối từ cầu thang chính bước vào phần giữa sàn nhà, có thể thấy rõ phía ngoài là để tiếp khách, phía trong là nơi sinh hoạt của cả gia đình.

Theo chiều ngang, phía ngoài dành cho nam giới, phía trong dành cho nữ giới.

Theo chiều dọc, phía trên làcác cửa sổ (người Mường gọi là cửa voóng), chỗ ngồi gần cửa voóng thường dành cho người cao tuổi còn phía dưới dành cho lớp trẻ, và kèm theo một quy định khi ngồi không được quay lưng vào cửa voóng.

Khám phá nét độc đáo trong kiến trúc nhà sàn của người Mường cổ

Một trong những khu vực rất quan trọng trong kết cấu nhà sàn của người Mường đó là gian bếp.

Với người Mường, bếp được coi là linh hồn của cả ngôi nhà bởi đây không chỉ là nơi nấu lên những bữa ăn hằng ngày mà còn là không gian diễn ra mọi hoạt động sinh hoạt chung của cả gia đình.

Họ đặt bếp ở bên trong của gian dưới nhà sàn, nơi có cửa vóong và gần vại nước, gia chủ làm một cái giá treo cao và vững chắc để sấy khô lương thực, thực phẩm như ngô, lúa, thịt trâu, thịt bò.

Ngoài ra, họ còn bố trí thêm một bếp phụ ở gian khách, chỉ dùng để sưởi, hong khô các vật dụng và đun nước pha trà, tiếp khách, thậm chí là mời khách cơm bên bếp lửa.

Cả hai gian bếp đều được người Mường coi trọng và luôn giữ ngăn nắp, sạch sẽ.

Khám phá nét độc đáo trong kiến trúc nhà sàn của người Mường cổ

Tựu chung lại , điều thú vị nhất trong tổng thể cách xây dựng nhà sàn của người Mường, thì đó là những kết cấu hoàn chỉnh không chỉ tạo dựng nên một ngôi nhà sàn đặc trưng từ cổ kim đến giờ vẫn nguyên vẹn.

Đặc biệt hơn là ở mỗi bộ phận cấu thành nên nhà sàn nó lại mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc gắn kết chặt chẽ với con người hàng nghìn năm không thay đổi.

Ngoài kiến trúc xây dựng nhà sàn kiên cố, người Mường còn sở hữu rất nhiều nét đặc trưng độc đáo trong đời sống văn hóa cũng như tập tục sinh hoạt hằng ngày, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu tới Quý độc giả trong những bài viết sau.

Đừng quên ghé xem chuyên trang gotrangtri.vn hàng ngày để đón đọc những bài viết hay về thiết kế nội thất nhà đẹp nhé!

Thiết kế nội thất
Kiến tạo cảm xúc

Chúng tôi tính toán mọi chi tiết để đảm bảo rằng mỗi bản thiết kế nội thất là sự kết nối phù hợp, tối ưu chi phí đem đến sự hài lòng cho khách hàng. 
Giải pháp tư vấn, thiết kế & thi công nội thất của Gotrangtri.vn mang lại sự đơn giản mà tinh tế trong không gian trọn vẹn.


Bình luận bài viết

Hotline

Chat Zalo
Chat Facebook
Kênh Tiktok
Kênh Youtube
Lazada