(Gotrangtri.vn) Làng Việt cổ ở đồng bằng Bắc Bộ luôn mang trong mình những nét đặc trưng riêng về nghệ thuật kiến trúc độc đáo, phản ánh phong tục tập quán và những vẻ đẹp truyền thống của người Việt.
1. Làng Việt cổ ở đồng bằng Bắc Bộ: Làng cổ Đường Lâm
Làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 44km về phía Tây.
Xưa, Đường Lâm gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Thọ, trấn Sơn Tây, trong đó có 5 làng: Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng, Cam Lâm và Đoài Giáp. Các làng nằm liền kề nhau, gắn kết với nhau thành một thể thống nhất, quần thể cư dân cùng duy trì phong tục, tập quán và tín ngưỡng từ hàng ngàn năm nay không hề thay đổi.
Đây cũng là một trong những làng việt cổ ở đồng bằng Bắc Bộ nổi tiếng nhất hiện nay, vẫn giữ được nguyên vẹn những nét cổ kính, rêu phong, mộc mạc của làng quê đồng bằng Bắc Bộ với hình ảnh: cây đa, giếng nước, sân đình, đình, chùa, miếu, điếm canh,….
Mỗi khi nhắc đến làng cổ Đường Lâm, người ta lại nhắc đến những ngôi nhà gỗ mộc, những bức tường đá ong mọc rêu xanh phủ kín, những con đường làng lát gạch đỏ au…
zNét đặc sắc của làng cổ Đường Lâm chính là những ngôi nhà mái lợp những viên ngói mũi ri, tạo nên hình thù võng lưng (giống lưng con lợn ỉn của Bắc Bộ ngày xưa), tường xây dựng bằng đá ong, tre, gỗ xoan, nứa, gạch đất nện, gạch đất nung, bùn, trấu, mùn cưa, cát, vôi, sỉ, rơm rạ….
Hoặc chăng, nhà nào có kinh tế khá giả thì dùng chất liệu gỗ tứ thiết như đinh – lim – sến – táu; thiết kế nội thất trong nhà cũng theo vai vế, địa vị xã hội và điều kiện kinh tế mỗi nhà.
- Khám phá nét đẹp truyền thống của làng nghề sơn mài Bình Dương
- Khám phá nét độc đáo của nghệ thuật kiến trúc đình làng Việt Nam (P2)
- Khám phá nét độc đáo của làng nghề truyền thống gốm Bát Tràng
Nhìn bao quát từ trên cao xuống, hệ thống đường sá trong làng giống như những chiếc xương cá, hai bên có những dãy tường đá ong loang lổ màu thổ hoàng, và các cổng nhà khép kín.
Với cấu trúc làng như vậy, nếu đi từ đình sẽ không bao giờ quay lưng vào cửa Thánh. Đó chính là nét tinh tế của các nghệ nhân xưa trong việc thiết kế cảnh quan của làng nhưng vẫn giữ được thuần phong mỹ tục muôn đời.
2. Làng Việt cổ ở đồng bằng Bắc Bộ: Làng cổ Cự Đà
Làng Cự Đà tọa lạc tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Nam.
Đây là địa danh được nhiều người biết đến bởi nét cổ trầm mặc vương lại nếp thời gian, cũng là nơi lý tưởng dành cho những người yêu thích lịch sử, nghệ thuật kiến trúc đình làng, nhà cổ…, đến tìm hiểu, khám phá.
Không giống như các làng việt cổ ở đồng bằng Bắc Bộ khác, kiến trúc của làng Cự Đà vừa mang nét đẹp hoài cổ, bình dị, lại pha trộn thêm nét đẹp của kiến trúc hiện đại.
Quy hoạch tự nhiên của làng theo đúng mô hình “nhất cận thị, nhị cận giang” điển hình cho một làng Việt cổ vừa nông nghiệp vừa thương mại.
Theo thống kê của UBND huyện Thanh Oai (Hà Nội), làng cổ Cự Đà hiện còn giữ được 51 căn nhà được xây dựng theo kiểu nhà cổ vùng đồng bằng Bắc bộ cách đây khoảng 200 năm, trong đó có 20 căn thiết kế theo lối kiến trúc phương Đông và 2 căn được thiết kế theo kiểu biệt Pháp.
Ghé thăm những ngôi biệt thự tại đây, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những nét chạm trổ tỷ mỉ cầu kì đến đường chi tiết, hoặc có thể bắt gặp kiến trúc Pháp ở thiết kế cột nhà, nền nhà với những hoa văn nền gạch đặc trưng.
Đặc biệt hơn, nơi đây còn là làng cổ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được đánh số nhà, có biển ghi tên ngõ, xóm như ở phố, nổi tiếng với cái tên “làng doanh nhân” khi làng đang phát triển ở thời kì hưng thịnh.
Ngoài nét độc đáo về kiến trúc, làng Cự Đà còn là một làng nghề truyền thống, “gây thương nhớ” cho du khách thăm quan bởi hình ảnh những bó miến vàng óng, những hũ tương hay đồ gia dụng được làm từ sành, sứ phơi nắng vàng rộm….Hình ảnh này đi vào câu ca dao: “Tương Cự Đà – cà làng Đám” nổi tiếng khắp vùng.
3. Làng Việt cổ ở đồng bằng Bắc Bộ: Làng Nôm
Làng Nôm hay còn gọi là làng Đại Đồng, trước đây có tên là làng Đồng Cầu, sau cải là làng Thông thuộc trang Đồng Xá, tổng Đình Tổ, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, nay thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Làng Nôm được nhiều người nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kiến trúc biết đến là một quần thể kiến trúc cổ thuần Việt và đậm chất Bắc Bộ, lưu giữ được rất nhiều di tích cổ kính có niên đại ít nhất là 200 năm.
Kiến trúc ngôi làng rất độc đáo, bao gồm: phần trung tâm có không gian cảnh quan lý tưởng, xung quanh là mặt nước; hai bên trung tâm là nhà thờ họ của tộc họ trong làng như tộc Nguyễn, Lê, Tạ, Đan… – văn hóa thờ cúng tổ tiên muôn đời của người Việt xưa và nay, tạo nên một vượng khí muôn thuở; trục đường lớn dẫn từ cổng làng đến đình làng – hai trung tâm sinh hoạt cộng đồng làng xã.
Chính bởi thế, làng Nôm được các chuyên gia về kiến trúc, nghệ thuật đánh là là một ngôi làng Việt cổ ở đồng bằng Bắc Bộ có không gian văn hóa đậm đặc những nét đặc trưng của cộng đồng dân cư làng xã Việt Nam…
Đến với làng Nôm, chúng ta sẽ được cảm nhận thấy nét văn hóa độc nhất vô nhị ở đất kinh kỳ phố Hiến xưa nay, tìm thấy sự quen thuộc của các làng quê vùng châu thổ sông Hồng với hình ảnh cây đa giếng nước đầu đình, cây cảnh xanh tươi những ngôi nhà mái ngói mộc mạc đơn sơ mà quen thuộc…
Trong các tuyến bài sau, chuyên trang Portfolio sẽ tiếp tục giới thiệu hệ thống làng việt cổ ở đồng bằng Bắc Bộ , các bạn quan tâm đón đọc nhé!