(Gotrangtri.vn) Cố đô Huế không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử ngàn năm, với phong cảnh hữu tình thơ mộng mà còn là “vùng đất làm nghề” với những làng nghề truyền thống nức tiếng gần xa.
Trong tuyến bài viết này, mời các bạn cung Portfolio khám phá một số làng nghề lưu giữ nét đẹp văn hóa Việt Nam nhé!
3 làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất ở xứ Huế
1. Làng nghề Nón lá
Hình ảnh chiếc nón lá từ lâu đã gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của người Việt.
Dù không nằm trong biểu tượng quốc gia như tà áo dài (quốc phục) hay hoa sen (quốc hoa) nhưng chiếc nón lá lại khơi gợi lên hình ảnh con người rất Việt, vô cùng gần gũi, vô cùng thân thương.
Vì là một trong những vật dụng thiết yếu của con người để che nắng che mưa, nhất là ở những vùng nông thôn, nên nghề làm nón cũng có mặt ở rất nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Huế.
Nếu muốn tìm hiểu những làng nghề truyền thống ở Huế, chắc chắn sẽ không thể bỏ sót nghề làm nón lá.
Làng nghề truyền thống làm nón lá hình thành và phát triển ở Huế từ hàng trăm năm nay với rất nhiều làng nghề làm nón nổi tiếng như: Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa… trong đó làng nón Tây Hồ (một làng nghề truyền thống ở Huế tọa lạc bên bờ sông Như Ý, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, cách thành phố Huế chừng 12 km) là cái tên nổi bật nhất bởi đây chính là nơi xuất xứ của chiếc nón bài thơ nổi tiếng.
Nón lá Tây Hồ nổi tiếng bởi độ mỏng, thanh, màu sắc nền nã và đường kim, mũi chỉ đều, đẹp nên người tiêu dùng rất yêu chuộng.
Mỗi năm, Huế cho ra thị trường hàng triệu chiếc nón, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trong nước, mà nón còn là món quà lưu niệm độc đáo dành cho du khách bốn phương khi có dịp ghé thăm cố đô Huế.
Nón lá Huế không chỉ là chiếc nón đơn thuần mà là một tác phẩm nghệ thuật thực sự bởi để làm ra một chiếc nón ưng ý thì phải rất kì công.
Người làm phải thực hiện khoảng 15 công đoạn từ lên rừng hái lá, rồi sấy lá, mở, ủi, chọn lá, xây độn vành, chằm, cắt lá, nức vành, cắt chỉ… để có một chiếc nón bài thơ vừa nhẹ vừa đẹp. Có lẽ vì thế mà làng nghề truyền thống làm nón ở Huế rất được nhiều du khách ghé thăm.
2. Làng nghề Hoa giấy Thanh Tiên
Làng Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, Phú Vang, là một trong những làng nghề truyền thống ở Huế rất nổi tiếng với nghề làm hoa giấy.
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi Nghề hoa giấy Thanh Tiên trong danh mục thống kê của các nghề thủ công từ thế kỷ XVI-XIX.
Hoa giấy thường được người dân mua về dùng làm hoa trang trí ở những nơi thờ tự trong nhà, các miếu, trang bà, am, bàn thờ ông địa, thần tài, táo quân, thần bếp… đáp ứng được nhu cầu về tín ngưỡng dân gian và ngày nay cả nhu cầu trang trí nội thất của người dân xứ Huế.
Hoa ở đây có hai loại chính, đó là hoa Thờ Cúng với đầy đủ màu sắc và hoa Sen giấy có màu tím Huế thơ mộng, có mặt khắp các vùng miền như Quảng Trị đến Đà Nẵng.
Loại hoa này có ưu điểm là: hình thức đẹp, phong phú về màu sắc, để được lâu, một năm chỉ thay một lần vào dịp tết nên nó dễ được chấp nhận.
Cũng chính những đặc điểm đó mà làng nghề hoa giấy Thanh Tiên chỉ làm theo thời vụ, thời gian sản xuất chính thức của nghề thủ công này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn vào cuối năm, chủ yếu vào tháng Chạp.
Để làm được một cánh hoa thì đòi hỏi các nghệ nhân phải có đôi bàn tay khéo léo và tỉ mỉ, các công đoạn để làm được một cánh hoa gồm có: tre (phải là tre lồ ô mới có độ dẻo dai) được vót nhỏ và phơi khô; giấy được nhuộm màu; hoa và nhụy được cắt tỉa một cách tỉ mỉ để khi lấy hồ dán sẽ tạo được một cành hoa hài hòa về màu sắc lẫn bố cục.
Là một trong những làng nghề truyền thống ở Huế đã và đang được bảo tồn, phát triển, hàng năm làng hoa giấy Thanh Tiên vẫn cho ra thị trường hàng trăm mẫu mã độc đáo, không chỉ nổi tiếng đặc thù cho văn hóa cố đô Huế, mà còn theo chân những du khách đến các vùng miền khác như Hà Nội, Hội An hay đưa ra cả nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc…
3. Tranh làng Sình
Gọi tên những làng nghề truyền thống ở Huế, chắc chắn không thể không nhắc đến làng Sình với nghề làm tranh thờ dân gian.
Làng Sình thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế, là một làng quê nằm ven bờ sông Hương đối diện bên kia sông là Thanh Hà – một cảng sông nổi tiếng thời các chúa ở Đàng Trong (vào khoảng thế kỷ 15), còn có tên là Phố Lở, sau này lại có phố Bao Vinh.
Thuở ấy, nơi đây không chỉ là một trung tâm buôn bán sầm uất ngay ven thành phố Huế mà còn là một trung tâm văn hóa của vùng cố đô, có chùa Sùng Hoá trong làng đã từng là một trong những chùa lớn nhất vùng Hóa Châu xưa.
Tranh làng Sình không chỉ là một nghề thủ công mỹ nghệ mà nó còn gắn liền với chức năng tâm linh của người dân xứ Huế.
Trong tâm thức dân gian xứ Huế vẫn tồn tại một niềm tin rằng: con người sinh ra có bổn mạng, phù hộ cho sức khỏe, công việc làm ăn, vận hạn…nên cứ vào dịp Tết hàng năm (khoảng tháng giêng, tháng hai), người ta thường tổ chức cúng đất, cúng sao để giải hạn xấu, cầu điều tốt lành cho một năm thuận buồm xuôi gió.
Tranh làng Sình được dùng trong việc cúng bái như thế.
Nghệ thuật làng nghề truyền thống làm tranh làng Sình cũng vô cùng độc đáo. Giấy in tranh là loại giấy dó, ngày nay dùng giấy giống giấy in báo, màu là mua ở chợ, gồm có màu vàng, xanh, tím, đỏ sen, còn trắng thì để nguyên giấy mộc.
Ván in bằng gỗ mít. Tranh này không như những tranh khác, không dùng bút hay màu để vẽ mà dùng khuôn vẽ, với một bức tranh hoàn thiện sẽ cần rất nhiều khuôn màu in lên giấy.
Hiện nay, ở làng Sình có nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đang giữ gìn và phát huy dòng tranh dân gian này với tuổi đời làm nghề hơn 60 năm.
Sản phẩm của ông không chỉ nổi tiếng ở các hội làng nghề truyền thống ở Huế mà còn được trưng bày tại các hội chợ triển lãm tranh dân gian và các kì Festival Huế.
Trong các tuyến bài sau, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu thêm một số làng nghề truyền thống ở Huế, mời các quý độc giả quan tâm đón đọc!
Nguyễn Hoa – Tổng hợp