(Gotrangtri.vn) Hình ảnh đôi guốc mộc vốn gắn liền với người con gái Việt Nam xưa, tạo nên vẻ đẹp thanh nhã, dịu dàng làm say đắm lòng người.
Ngày nay, guốc mộc được biến tấu với nhiều kiểu dáng, mẫu mã phù hợp với thị yếu của người tiêu dùng.
Ra đời nhằm phục vụ nhu cầu làm đẹp của con người, nghề guốc truyền thống ở Bình Dương đã hình thành và phát triển đến nay khoảng hơn 100 năm và trở thành thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam.
Hãy cùng Portfolio khám phá nét độc đáo của nghề guốc truyền thống và xóm làm guốc ở Bình Dương nhé!
1. Thăng trầm lịch sử nghề guốc truyền thống Bình Dương
Thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) vốn được biết đến với nghề mộc truyền thống, nơi đây không chỉ vang lên những tiếng đục, đẽo của nghề điêu khắc, chạm gỗ mà từ lâu đã nổi tiếng với âm thanh của tiếng cưa, tiếng xẻ của nghề guốc mộc.
Các cơ sở làm guốc ở tỉnh Bình Dương chủ yếu tập trung trên địa bàn phường Phú Thọ (thành phố Thủ Dầu Một) và phường Bình Nhâm (thị xã Thuận An).
Như lời kể lại của nhiều người lớn tuổi tại đây, nghề guốc truyền thống ở đây xuất hiện khoảng hơn 100 năm.
Nói đến nghề guốc truyền thống ở Bình Dương, không ai là không biết con đường xóm guốc nổi tiếng.
Theo tài liệu thống kê tại sách dư địa chí Thủ Dầu Một năm 1901 thì tại xóm làm guốc Phú Văn có trên 80 hộ gia đình sống bằng nghề làm guốc từ cha truyền con nối.
Và từ lâu con đường này được nhân dân địa phương quen gọi là đường xóm guốc. Đến năm 1999, tên đường này được công nhận và ghi vào hệ thống các tên đường của thị xã Thủ Dầu Một.
Nghề guốc truyền thống ở Bình Dương xuất phát từ nhu cầu sử dụng thực tế và bức tranh văn hóa truyền thống của dân tộc.
Từ 100 năm trước cho đến nay, chúng ta thường thấy hình ảnh người phụ nữ Việt với đôi guốc gỗ trong bộ trang phục truyền thống hay một vài ông già Nam bộ mang guốc dong và búi tóc sau đầu với bộ trang phục bà ba đen đậm chất Nam bộ.
Chính vì vậy, tuy lúc đầu có liên quan đến nghề guốc truyền thống nói chung nhưng khi hình thành nghề guốc mộc thì hoàn toàn độc lập và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc vì đôi guốc là vật dụng rất thân thiết với người dân Việt từ thời xa xưa trước khi đôi dép, đôi giày bằng da, bằng nhựa lần lượt ra đời với nhiều kiểu dáng đẹp và lạ mắt.
Vào những thập niên 20 đến 70 của thế kỷ XX, xóm làm guốc Phú Thọ làm ăn rất thịnh vượng. Loại guốc xuồng đáp ứng nhu cầu người bình dân gần như tiêu thụ rộng rãi trong khắp cả nước.
Bên cạnh đó, những loại guốc kiểu, guốc có chất liệu tốt, trang trí màu sắc mỹ thuật, hoa văn thật bắt mắt đã chiếm lĩnh thị trường của cả khu vực Đông Nam Á và một vài nước ở châu Âu.
Ở giai đoạn này, hàng năm xóm làm guốc ở Phú Thọ sản xuất hàng ngàn đôi guốc thô, nghề guốc truyền thống nuôi sống gần 1.000 người thợ và gia đình họ với mức sống khá giả và sung túc.
Bên cạnh đó, kỹ thuật làm guốc ngày càng được cải thiện, thay vì dùng cưa tay, các cơ sở làm guốc trang bị các dạng máy cưa đơn giản, thường là cưa lọng nên sản xuất hàng loạt và nâng cao được chất lượng sản phẩm.
Từ thập niên 70 cho đến nay do sự cạnh tranh gay gắt của các loại giày, dép da, nhựa, nhu cầu làm đẹp của giới nữ chủ yếu là ở các loại guốc có kiểu dáng đẹp và sang trọng.
Hơn nữa trong thời đại công nghiệp như hiện nay hình như đôi guốc ít khi phù hợp với người phụ nữ hiện đại cho lắm, thẩm mỹ về thời trang ngày nay không còn thông dụng như thời trước nữa.
Vì thế nghề guốc truyền thống không được rầm rộ như xưa, hiện nay, chỉ còn khoảng 20 hộ làm guốc mộc ở Thủ Dầu Một.
Như vậy, trước nền công nghiệp hiện đại ngày càng phát triển, âm vang một làng nghề truyền thống đang dần bị đẩy lùi vào quá khứ và vùng đất một thời vang bóng hình thành nên chiếc nôi truyền thống của nghề guốc mộc cần được bảo tồn trước khi đi vào kí ức.
2. Tinh hoa nghề guốc truyền thống và sản phẩm guốc mộc Bình Dương
Có thể nói, không một loại guốc nào hiện nay có được vẻ đẹp độc đáo và truyền thống như hình ảnh đôi guốc Việt.
Guốc Bình Dương gồm có: guốc mộc, guốc sơn, về sau guốc được kết hợp với loại nghề truyền thống khác làm thành đôi guốc sơn mài có dáng vẻ màu sắc mỹ thuật trông rất hấp dẫn.
2.1. Chất liệu sử dụng để làm guốc mộc
Dụng cụ dùng trong nghề guốc truyền thống thật đơn giản: chỉ cần một chiếc cưa tay, một thớ gỗ vụn, người thợ ngày xưa theo mẫu có sẵn xẻ thành một đôi guốc thô.
Gỗ dùng làm guốc thường phải đạt yêu cầu: Xốp và nhẹ nhưng phải bền chắc không lõi. Các loại cây gỗ dùng để làm guốc là loại gỗ: Mít, dong, lùn mứt…
Muốn có được những đôi guốc tinh xảo thì luôn luôn phải bắt đầu từ công đoạn làm guốc mộc thủ công.
Đây là đôi guốc được dùng nguyên chất liệu và màu sắc của gỗ, chỉ cần cưa xẻ, bào gọt thành hình đôi guốc rồi chà láng, đóng quai. Sau đó, chúng sẽ trải qua nhiều giai đoạn để tạo ra những sản phẩm đa dạng về kiểu dáng và mẫu mã.
2.2. Nghề guốc truyền thống – nét tinh hoa mang đậm bản sắc văn hóa Việt
Nghề guốc truyền thống Bình Dương đã mang thương hiệu và văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Sản phẩm guốc Bình Dương không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, trong khu vực mà còn xuất khẩu sang một số nước châu Á, nhiều nhất là Campuchia và Lào.
Nghề guốc truyền thống Bình Dương dù không còn thịnh vượng nhưng vẫn có chỗ đứng nhất định nhờ sự nhạy bén, óc sáng tạo và sự năng động không ngừng của người thợ thủ công.
Những người thợ bằng sự cần mẫn và khéo léo kết hợp giữa nghề làm guốc và kỹ thuật sơn mài truyền thống của địa phương đã tạo ra một sản phẩm mới vừa mang vẻ đẹp truyền thống vừa có dáng dấp của xu thế thời trang hiện đại.
Nghề guốc truyền thống Bình Dương đại diện cho hình ảnh đôi guốc truyền thống Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc và cần được bảo tồn, phát huy trong cuộc sống hiện đại.
Nếu bạn yêu khám phá thời trang Việt xưa thì hãy chọn làng nghề guốc mộc nơi đây làm điểm đến khám phá.
Đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo của gotrangtri.vn để tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như học hỏi kinh nghiệm hay trong thiết kế nội thất nhà đẹp nhé.
Thu Hà – Tổng hợp internet