(Gotrangtri.vn) – Nghề dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống lâu đời, cũng là một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Chăm ở An Giang.
Hãy cùng Portfolio khám phá xem nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở An Giang có gì khác với nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu mà chúng tôi đã giới thiệu ở bài trước không nhé!
Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở An Giang có từ bao giờ?
Nghề dệt của người Chăm nói chung và nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở Phũm Soài, xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang nói riêng ra đời từ rất sớm và phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay.
Theo các cụ cao niên ở đây, nghề phát triển bắt đầu từ khoảng những năm đầu của thế kỉ XIX. Trước kia, hầu như trong nhà của bất kì người Chăm nào cũng có ít nhất một khung dệt.
Xưa kia hầu như gia đình nào cũng có khung dệt để sử dụng trong gia đình và nghề dệt trở thành công việc mà bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết.
Khi mới 10 – 12 tuổi, thiếu nữ Chăm đã được hướng dẫn những thao tác đơn giản nhất của nghề tác dệt.
Các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Chăm thường xuất hiện thường xuyên trong đời sống hằng ngày của con người nơi đây: ở bộ trang phục của người phụ nữ với váy, áo, khăn đội đầu, ở mảnh xà rông của đàn ông… đủ các màu sắc, hoa văn, họa tiết khác nhau như sóng nước, vân mây, ô vuông, kẻ sọc, lồng đèn, bông dâu…. đôi khi họ cũng tiếp thu những kiểu hoa văn mới lạ, đẹp mắt từ nơi khác và kết hợp với kiểu hoa văn truyền thống để làm cho sản phẩm sinh động và mới mẻ hơn.
Đây là nững sản phẩm dệt thổ cẩm mang đậm bản sắc văn hóa Chăm, vừa có sự mềm mại, duyên dáng, lại vừa thể hiện sự tinh xảo từ cách phối màu, lên bố cục đến đến kỹ thuật dệt, tạo hình hoa văn,….
Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm: kỹ thuật dệt rất kì công
Theo người Chăm nơi đây, để tạo nên những tấm thổ cẩm độc đáo đó đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn, thời gian với nhiều công cụ trong một quy trình sản xuất độc đáo.
Đầu tiên là khâu chuẩn bị nguyên liệu. Người Chăm không dùng trực tiếp ống chỉ mua về mà chia ra thành nhiều ống nhỏ trước khi kéo canh.
Thông thường, họ chỉ sử dụng 3 loại chỉ là chỉ cotton (dùng cho trang phục cho cả nam và nữ), tơ (dành cho các mặt hàng dệt cao cấp, thường là trang phục cưới của cô dâu hay những trang phục lễ hội dành cho phụ nữ) và polyester (là loại chỉ dày nên chỉ dùng để làm túi xách, khăn choàng, ít khi may trang phục).
Chỉ dùng để dệt cũng có nhiều kích cỡ khác nhau, bao gồm các loại sợi 20, 30,40,… sợi có số càng lớn thì càng mảnh, thêu lên nét càng thanh.
- Tìm hiểu về nghề guốc truyền thống và xóm làm guốc ở Bình Dương
- Khám phá nét độc đáo nghề dệt thổ cẩm của người Cơ tu – Tây Nguyên
- Độc đáo nghề nấu đường thốt nốt của dân tộc Khmer An Giang
Bên cạnh đó, nghề dệt thổ cẩm của người Chăm còn có một công đoạn nữa là nhuộm.
Ở công đoạn này, người Chăm An Giang cũng tự chuẩn bị nguyên liệu là một vài loại đất đá, kết hợp với các loại rễ cây, lá cây và trái cây, những chất cho côn trùng bài tiết ra để chế thành thành phẩm nhuộm.
Tiếp đến, để chỉ cứng hơn, họ phải tiến hành hồ sợi bằng cách đun sôi một nồi nước lớn có pha loãng một ít bột gạo.
Sau khi sợi/chỉ được nhúng vào nước cho ướt đều, họ đem vắt kiệt cho thật ráo mới cho vào nồi nước hồ này để nhúng. Hồ bám đều quanh sợi, họ lại vắt ráo và đem đi phơi khô trước khi mang đi quay.
Vì là nghề thủ công nên các công cụ làm nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở An Giang cũng rất đơn giản, bao gồm: sa quay chỉ, khung kéo canh và khung dệt. Sợi cotton sau khi mua về được đưa vào sa đảo để quay thành con chỉ.
Sau khi chỉ được quay thành con, người ta đem con chỉ ngâm trong nước 1 đêm, đến sáng mang đi tẩy trắng. Sau đó, dùng bột gạo để hồ chỉ khoảng 30 phút cho sợi chỉ săn lại và đem chỉ phơi nắng cho khô.
Với tơ, trước tiên phải dùng nước tro để tẩy chất nhờn của con tằm còn bám trên sợi tơ, rồi ngâm tơ với nước vo gạo 1 đêm mới mang đi hồ tơ. Tơ được hồ bằng bột gạo tẻ, nấu sệt như cháo loãng.
Sau công đoạn tẩy trắng và xử lý sợi là quay sợi vào các ống chỉ suốt để thực hiện việc mắc canh tạo hoa văn cho vải.
Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm có kỹ thuật rất đặc biệt. Khác với kiểu dệt Ikat – dệt xà rông, dệt thổ cẩm phải xen kẽ giữa go nền và go hoa văn.
Để xỏ xong go cho một khung dệt, trung bình họ mất khoảng 3 ngày. Họ có thể sử dụng nhiều loại go, go 12, 13, 14… khi go 18 người ta không dùng bằng kẽm mà đan bằng chỉ dùng để dệt tơ để cho vải dày, giá thành cao hơn.
Ngoài ra, số lượng khung go thay đổi khác nhau tùy từng loại hoa văn như: dệt thổ cẩm hoa văn dạng bông dâu cần 12 khung go, dạng mắt xích phải có 10 khung go, dạng mắc võng cần 9 khung go, hoa văn con thoi, cánh quạt 8 khung go…
Đặc biệt, khi dệt với nguyên liệu chỉ tơ, sợi khá mảnh và dễ đứt nên người Chăm không dùng sợi go lược kẽm mà thay bằng go lược chỉ sẽ giúp cho sợi chỉ khít hơn, khi dệt sản phẩm sẽ khắc mặt, mịn hơn.
Nhờ kỹ thuật dệt thủ công, với những nguyên liệu là sợi tơ được nhuộm bằng các nguyên liệu tự nhiên làm cho màu sắc trên sản phẩm luôn tươi tắn, bền màu và mang đặc trưng riêng không lẫn với những loại sản phẩm tơ sợi ở nhiều địa phương khác.
các sản phẩm thổ cẩm của người Chăm ở An Giang rất “được giá” trên thị trường và được nhiều du khách tìm mua.
Trên đây là một vài thông tin hữu ích về nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở An Giang.
Trong các bài viết sau, chúng chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu tới Quý độc giả những sản phẩm văn hóa thủ công mỹ nghệ cũng như phong tục tập quán độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam. Đừng quên theo dõi gotrangtri.vn và đặt yêu cầu tư vấn thiết kế nội thất bạn nhé!