(Gotrangtri.vn) – Với đôi bàn tay khéo léo, tài hòa, những nghệ nhân làng nghề đan cỏ tế Lưu Thượng đã biến những loài cây hoang dại như cỏ trở nên hữu ích, tạo ra những sản phẩm có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao.
Hãy cùng Portfolio cùng khám phá làng nghề của đất Thăng Long này có gì độc đáo nhé!
Nghề đan cỏ tế Lưu Thượng – nghề 400 năm tuổi
Nằm cách Hà Nội chừng 40 km, làng Lưu Thượng, thuộc xã Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề đan cỏ tế có lịch sử hơn 400 năm. Tương truyền, làng được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 17.
Lúc ấy, làng có tên là làng Gầu Tế, dân cư thưa thớt, đất đai hoang hóa, mọc đầy cỏ dại, có bà Nguyễn Thảo Lâm đem nghề guột tế (có tên gọi khác là cỏ tế) về cho làng.
Dân làng đã học theo và rồi đời này truyền cho đời khác, nay trở thành làng nghề đan cỏ tế nức tiếng gần xa.
Để ghi nhớ công ơn của bà, dân làng Lưu Thượng đã tôn bà làm Tổ nghề và lập đền thờ phụng bà tại đình làng để quanh năm hương khói, tổ chức lễ giỗ tổ nghề vào ngày 16-10 Âm lịch hàng năm.
Đến nay, khi đã trở thành một làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng, người làng Lưu Thượng vẫn truyền ngôn nhau câu ca dao với tâm hồn lạc quan và yêu đời:
“Hỡi ai đi ngược về xuôi
Có về Giầu Tế với tôi thì về
Giầu Tế có cây bồ đề
Có ao tắm mát, có ghề đi buôn” (buôn guột)
Guột (có tên gọi khác là cỏ tế) là một loại cỏ có sự nổi bật về màu sắc tự nhiên với màu đỏ, nâu rất đẹp, mềm mại và độ bền cao, mọc chủ yếu ở các khu rừng miền núi phía Bắc và một số tỉnh miền Trung từ Quảng Bình trở ra.
Theo người dân làng Lưu Thượng, họ thường chọn guột lấy từ các vùng Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn…, những nơi có chất lượng tốt hơn so với các vùng khác.
Ban đầu, người dân ở đây chỉ sản xuất để phục vụ cho các địa phương và một số huyện lân cận.
Nhưng khi nhu cầu ngày càng lớn và tiếng thơm về những sản phẩm ngày một lan xa thì nhiều hộ gia đình trong xã đã đẩy mạnh sản xuất và đưa ra nhiều hơn những mặt hàng với mẫu mã đẹp và sáng tạo.
- Về Trung Lương – Hà Tĩnh tìm hiểu nghề rèn truyền thống trăm năm
- Khám phá nét độc đáo nghề dệt thổ cẩm của người Cơ tu – Tây Nguyên
- Độc đáo nghề nấu đường thốt nốt của dân tộc Khmer An Giang
Trước đây người ta chỉ lấy phần ruột của cây cỏ tế tách thành những sợi nho gọi là guột, dùng để nức rổ, rá, khâu nón… còn phần vỏ cứng bên ngoài sẽ phơi khô dùng để đun bếp, lửa rất đượm…
Tuy nhiên, đến thập kỷ 80, người dân Lưu Thượng đã biết cách tận dụng phần ngoài của cây cỏ tế để đan thành một số dụng cụ sinh hoạt như làn đi chợ, đựng đồ dùng.. với đủ kích cỡ, bên ngoài được quang lớp dầu bóng, làm cho sản phẩm đẹp, bền.
Ngày ấy, làn được coi là mặt hàng cao cấp nhất của làng nghề đan cỏ tế. Thời kỳ đồ nhựa còn hiếm và đắt nên những chiếc làn này được bán chạy và bán rộng rãi trên thị trường các tỉnh miền Bắc.
Sang đến thập kỷ cuối của thế kỷ 20, người thợ làng nghề Lưu Thượng tiến lên làm nhiều mặt hàng hơn.
Các sản phẩm làm từ guột rất đa dạng, phong phú, có thể kể đến như: Rổ, rá, cặp… cho đến giường ngủ, tủ, bàn ghế…. hay các vật phẩm có giá trị nghệ thuật như khung ảnh, lọ hoa, con giống…
Tùy việc dùng sản xuất loại hàng hóa nào mà cây guột được giữ nguyên hay chẻ ra làm hai, ba hay bốn phần. Sau đó, guột được dùng đan và tạo hình cho sản phẩm.
Làng nghề đan cỏ tế Lưu Thượng: Từ cỏ đến mặt hàng xuất khẩu
Về cơ bản, nghề đan cỏ tế giống nghề đan lát mây tre. Tuy nhiên, cỏ tế lại có những ưu thế mà sợi mây, nan tre không có được, đó là sự nổi bật về màu sắc tự nhiên (màu đỏ nâu rất đẹp).
Hơn nữa, cỏ tế rất mềm mại, dẻo dai nên dễ cho việc tạo dáng và đặc biệt là có độ bền cao. Để có được một sản phẩm cỏ tế vừa đẹp, vừa bền, người thợ thủ công phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau.
Sau khi thu mua về, các loại guột sẽ được phân loại và đem phơi ít nhất vài ba đợt nắng to mới đạt chất lượng về độ bền và màu sắc.
Tiếp theo, người thợ để nguyên hoặc chẻ cây cỏ tế ra làm 2, 3 hay 4 phần tùy thuộc vào việc dùng để sản xuất loại hàng hóa nào. Sau đó, cỏ tế được dùng để đan và tạo hình cho sản phẩm.
Các loại cỏ tế được đan phải có cùng màu sắc, độ dẻo dai để tạo sự đồng đều. Sản phẩm sau khi tạo hình được hun qua diêm sinh, rồi nhúng qua dầu keo để màu sắc được bền và tươi tắn hơn.
Nhúng dầu keo xong, người thợ sẽ phơi hoặc sấy khô sản phẩm rồi tiếp tục nhúng dầu lần thứ hai hoặc lần thứ 3 tùy theo yêu cầu đối với từng loại sản phẩm.
Cuối cùng, sản phẩm được để khô kiệt rồi mới đóng kiện tiêu thụ.
Là một nghề thủ công, 100% quy trình sản xuất đều được làm bằng tay nên những người thợ làm nghề đan cỏ tế Lưu Thượng không cần đầu tư quá nhiều.
Để sản xuất ra những sản phẩm từ cỏ tế, mỗi gia đình chỉ cần chuẩn bị một lò sấy hơi, bể nhúng, có diện tích làm sân dốc nước và phơi khô sản phẩm.
Ngày nay, nghề đan cỏ tế Lưu Thượng đã và đang được phát triển theo chuyên môn hóa đến từng công đoạn theo quy mô hộ gia đình.
Có hộ gia đình chỉ chuyên chẻ cỏ, có hộ chỉ chuyên đan phần thân, có hộ chỉ chuyên đan phần đế, có hộ lại chỉ chuyên phơi sấy hong khô và phun bóng.
Sau khi luân chuyển sản phẩm qua đủ các giai đoạn sẽ được thu gom lại ở tại một điểm nhất định để tiến hành đóng nhãn mác và hoàn thiện các khâu còn lại, đem đi tiêu thụ.
Bằng sự tìm tòi, sáng tạo, liên tục tiếp thu cái mới, những người thợ làm nghề đan cỏ tế Lưu Thượng còn kết hợp cỏ tế với các nguyên liệu khác như mây, tre, nứa, cói, bẹ ngô, bèo, bẹ chuối, cỏ lăn… để tạo ra các sản phẩm đa dạng với nhiều mẫu mã khác nhau để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của thị trường.
Nhờ đó sản phẩm tạo ra đạt đến trình độ tinh xảo và ngày càng vươn xa ra châu lục và thế giới như khối EU, Đông Âu, Nhật Bản, Canada.
Với việc giữ gìn và lưu truyền nghề đan cỏ tế hàng trăm năm nay, Lưu Thượng đã đưa làng quê nghèo trở thành vùng kinh tế hàng hóa sôi động, phong phú và sầm uất.
Trên đây là một vài thông tin hữu ích về nghề đan cỏ tế ở làng Lưu Thượng dành cho những ai yêu thích khám phá văn hóa – mỹ nghệ truyền thống của dân tộc.
Đừng quên ghé xem chuyên trang gotrangtri.vn hàng ngày để đón đọc những bài viết hay về thiết kế nội thất nhà đẹp nhé!