(Gotrangtri.vn) Ván dán là 1 trong những loại gỗ công nghiệp cao cấp mang nhiều ưu điểm của cả gỗ công nghiệp và gỗ tự nhiên. Chúng được ứng dụng đa dạng trong xây dựng và thiết kế. Vậy ván dán là gì? Hãy cùng Portfolio tìm hiểu trong bài viết này!
1. Ván dán là gì?
Ván dán hay còn được gọi với nhiều tên gọi khác như ván ép, gỗ dán, gỗ plywood là vật liệu công nghiệp được tạo thành từ nhiều lớp gỗ tự nhiên. Những lớp gỗ này được lạng mỏng khoảng 1mm, xếp chồng lên nhau theo hướng vuông góc với đường vân gỗ rồi được ép lại với nhau trong môi trường nhiệt độ và áp suất cao với sự tham gia của các chất kết dính.
Nguyên liệu để sản xuất ván dán thường là các loại gỗ rừng trồng như gỗ thông, bạch dương, trám, keo, bạch đàn,…
2. Lịch sử hình thành và phát triển của ván dán
Ván dán được coi là loại gỗ công nghiệp đầu tiên được phát minh. Khoảng 1000 năm trước, người Trung cổ đã biết lạng mỏng các thớ gỗ và dán chúng lại với nhau để ứng dụng trong sản xuất nội thất bởi họ nhận ra rằng khi liên kết các lớp gỗ tự nhiên mỏng sẽ tạo thành một tấm vật liệu với độ bền đáng kinh ngạc.
Tấm ván dán đầu tiên được đưa ra giới thiệu và triển lãm vào năm 1905 tại hội chợ ở Phần Lan.
3. Thành phần cấu tạo của ván dán
Ván dán được cấu tạo từ 3 phần chính:
– Phần ruột (hay lõi) bao gồm nhiều lớp gỗ lạng mỏng có độ dày khoảng 1mm. Chúng được xếp khít với nhau, tạo độ cứng và tính đàn hồi cho gỗ.
– Phần bề mặt là các lớp gỗ với đường vân và màu sắc của gỗ tự nhiên
– Phần các chất kết dính và chất phụ gia: chất kết dính là các loại keo thường được sử dụng cho ván dán là keo Urea Formaldehyde (UF) và keo Phenol Formaldehyde (PF). Chất phụ gia bao gồm các chất tạo độ cứng, chất parafin,…
4. Quy trình sản xuất ván dán
Quy trình sản xuất ván dán khá phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao.
– Đầu tiên, các khúc gỗ sẽ được cắt theo kích cỡ quy định và được bóc vỏ nhằm đảm bảo tính đồng đều và độ mịn rồi được bóc ra thành những lớp gỗ mỏng bằng loại máy bóc chuyên dụng.
– Các lớp gỗ lạng mỏng này sau đó được cắt nhỏ với kích thước quy định. Tiếp đến, chúng được cải thiện khả năng đàn hồi bằng 1 loại máy chuyện dụng, được sấy khô và bảo quản trong vòng 24 tiếng để giữ lại độ ẩm từ 6% đến 8%.
– Bước tiếp theo là phun keo lên các lớp gỗ và ép nóng để chúng liên kết với nhau. Để keo được thẩm thấu tốt hơn và giúp tấm ván cứng hơn, các lớp gỗ trước khi phun keo sẽ được ép dưới điều kiện nhiệt độ và áp suất nhất định.
– Công đoạn tiếp theo là cắt thô. Sau khi cắt, các tấm ván được xử lý bằng máy chà để đạt được bề mặt hoàn thiện mịn và đồng đều trước khi trải qua dây chuyền phun keo trên bề mặt. Và để đạt được độ cứng tối ưu, ván tiếp tục được ép thêm 4 lần nữa bao gồm ép sơ bộ và ép nóng.
– Sau công đoạn này, tấm ván gần như đã hoàn thiện. Chúng được cắt và chà các viền, cạnh và được kiểm tra chất lượng trước khi đưa ra thị trường.
5. Ưu và nhược điểm của ván dán
Ưu điểm
Ván dán có bề mặt tiếp xúc lớn nên có độ cứng và độ bền cơ lý cao. Loại ván này có khả năng chịu lực tốt hơn tất cả các loại gỗ công nghiệp khác như ván mfc, ván mdf, ván hdf,…
Cùng với gỗ ghép thanh, ván dán là loại gỗ công nghiệp ít chịu ảnh hưởng của nước bởi chúng được cấu tạo từ các lớp gỗ tự nhiên. Tấm ván không dễ bị phồng khi ngân vào nước như ván mfc hay mdf.
Ván dán có khả năng bám vít và bám dính tốt, tạo độ chắc chắn và kiên cố cho các sản phẩm nội thất.
Nhược điểm
Do chất lượng tốt hơn, quá trình sản xuất, thi công cũng phức tạp hơn nên ván dán có giá thành cao hơn 1 số loại ván gỗ công nghiệp thông thường.
Khi cắt, cạnh ván dễ bị sứt mẻ. Do vậy, ván dán tốt hơn hết nên được sử dụng theo dạng tấm với đúng kích thước tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Khi cắt ván cần có các kỹ thuật đúng và xử lý cạnh ván sau cắt để mang lại hiệu quả cao khi sử dụng.
Ván dán có thể bị cong vênh, bề mặt gỗ không được phẳng mịn và có thể bị tách lớp trong điều kiện môi trường không thích hợp như độ ẩm quá cao trong thời gian dài.
6. Ứng dụng của ván dán trong xây dựng và thiết kế
Do có độ cứng và khả năng bám vít tốt mà ván dán được ứng dụng rộng rãi trong xây dựng như làm khuôn đổ bê tông hay vật liệu phủ.
Ván dán nhiều lớp được sử dụng cho những sản phẩm chịu lực và có độ ổn định với kích thước lớn như sàn và vách.
Giống như ván mdf hay hdf, ván dán cũng có thể tiếp tục được phủ các bề mặt trang trí như melamine hay laminate để ứng dụng trong nội thất như bàn ghế, giường ngủ, tủ quần áo,…
Ngoài ra, nhờ khả năng chịu nước tốt, ván dán còn được dùng để đóng thuyền, ghe.
Hãy cùng ngắm nhìn những mẫu thiết kế nội thất được với vật liệu ván dán bạn nhé!
• Xem thêm: Gỗ ghép thanh là gì? Có tốt không? 3 loại gỗ ghép thông dụng năm 2019
7. Lời kết
Hi vọng bài viết trên của Tạp chí Portfolio đã mang đến cho bạn những thông tin, những kiến thức bổ ích về ván dán – loại gỗ công nghiệp cao cấp được ứng dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng và thiết kế nội thất hiện nay.
Những loại vật liệu trong thiết kế khác sẽ được chia sẻ đến bạn trong các bài viết sau. Cùng đón đọc bạn nhé!
Lê Kiều Oanh – Tổng hợp