(Gotrangtri.vn) Gỗ mdf là loại gỗ công nghiệp được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết về loại ván này để có những cách ứng dụng phù hợp, giúp tối ưu hóa chi phí của mình. Hiểu được điều đó, chuyên trang Portfolio sẽ chia sẻ đến bạn tất cả những thông tin về loại gỗ ép này. Cùng khám phá bạn nhé!
1. Tổng quan về gỗ mdf
Gỗ mdf là gì?
Gỗ mdf (Medium Density Fiberboard) hay còn được gọi là gỗ ván sợi mật độ trung bình. Đây là một sản phẩm ván gỗ công nghiệp có thành phần chính là sợi gỗ, chất kết dính và một số thành phần khác như Parafin, chất làm cứng… Các thành phần này được trộn đều rồi ép dưới nhiệt độ và áp suất cao tạo thành ván gỗ công nghiệp mdf.
Phân loại gỗ mdf
Gỗ mdf có thể được phân loại theo đặc tính hoặc phân loại theo mục đích sử dụng.
– Phân loại theo đặc tính
Theo đặc tính và tính chất vật lý nổi trội, loại gỗ công nghiệp này có thể được chia ra làm 3 loại là ván mdf thông thường, mdf chống ẩm và mdf chống cháy.
Cách nhận biết 3 loại ván này rất đơn giản. Bạn chỉ cần dựa vào màu sắc của chúng. Ván mdf thường có màu tự nhiên của gỗ là màu vàng nâu, ván mdf chống ẩm có màu xanh và mdf chống cháy có màu đỏ. Các chất tạo màu chỉ là chất nhuộm, chỉ có tác dụng giúp khách hàng phân biệt và nhận biết các loại ván, không có khả năng chống ẩm hay chống cháy.
– Phân loại theo mục đích sử dụng
Theo cách phân loại này, chúng ta có gỗ mdf dùng trong nhà cho các món đồ nội thất, gỗ mdf chống ẩm cho các sản phẩm ngoại thất, gỗ mdf mặt trơn làm bề mặt sàn và ốp panel tường và mdf mặt không trơn để ép các bề mặt trang trí lên trên.
2. Cấu tạo và đặc tính của gỗ mdf
Cấu tạo
Là vật liệu công nghiệp phổ biến hiện nay, trong thành phần cấu tạo, gỗ mdf có chứa khoảng 75% là các sợi gỗ. Các sợi gỗ này hầu hết được cắt và nghiền từ các bộ phận như thân, cành, rễ của những loại cây rừng trồng ngắn ngày, bao gồm cả các loại gỗ cứng và gỗ mềm nhưng gỗ mềm được sử dụng nhiều hơn cả để tạo được tính đàn hồi cho gỗ. Nguyên liệu đầu vào của ván mdf ngoài thân cây gỗ còn có thể tận dụng bìa bắp, đầu ngọn, mùn cưa,… trong quá trình cưa xẻ gỗ.
Ngoài thành phần chính là các sợi gỗ tự nhiên, gỗ mdf còn bao gồm 11 – 14% keo để liên kết các phần tử gỗ lại với nhau. Loại keo thường được sử dụng trong gỗ mdf cũng như tất cả các loại gỗ công nghiệp khác là keo Urea Formaldehyde (keo UF). Nước chiếm khoảng 6 – 10% và các thành phần phụ gia khác chiếm khoảng 1% trong loại gỗ công nghiệp này.
Đặc tính
Thông thường, ván mdf có màu sắc đặc trưng của gỗ là màu vàng nâu. Loại gỗ này được coi và có tính ổn định và trơ ở dạng tấm. Gỗ mdf có bề mặt phẳng và nhẵn, dễ dàng được ép các bề mặt trang trí như melamine hay laminate lên trên để tạo vẻ đẹp cho bề mặt.
Ưu điểm của gỗ mdf
Do là gỗ công nghiệp nên gỗ mdf mang trong mình những ưu điểm của gỗ công nghiệp như:
– Không bị cong vênh, biến dạng, co ngót hay bị mối mọt phá hoại như các loại gỗ tự nhiên.
– Ván mdf là loại ván tầm trung, được đánh giá là có chất lượng tốt trong tầm giá nên phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều hộ gia đình.
– Do có cấu tạo đồng nhất bên trong cũng như bên ngoài nên loại ván này khi cắt không bị sứt mẻ các cạnh như ván dán.
– Gỗ mdf có thời gian gia công nhanh chóng bởi có thể sản xuất hoàn toàn bằng máy móc. Do vậy có thể sản xuất hàng loạt các sản phẩm nội thất, giúp giảm giá thành sản phẩm.
– Gỗ mdf cũng có bề mặt rộng nên tiện lợi cho việc thiết kế và sản xuất những món đồ có kích thước lớn mà không phải chắp nối như gỗ tự nhiên.
Nhược điểm của gỗ mdf
– Nhìn chung, gỗ mdf có khả năng chịu nước kém. Tuy nhiên, nhược điểm này có thể khắc phục bằng các lựa chọn loại ván chống ẩm cho những đồ nội thất phải thường xuyên tiếp xúc với nước hoặc các sản phẩm đặt trong môi trường có độ ẩm cao.
– Những tấm ván mdf sản xuất theo tiêu chuẩn có sự hạn chế về độ dày nên khi cần sản xuất những sản phẩm có độ dày lớn hơn thì thường phải ghép nhiều tấm ván lại với nhau.
– Bề mặt ván phẳng và cứng nên không thể trạm trổ các họa tiết hoa văn trên đó như gỗ tự nhiên. Tuy nhiên, các bề mặt trang trí được ép lên gỗ cũng rất đa dạng để bạn lựa chọn để làm đẹp cho món đồ nội thất của mình.
– Ván mdf kém chất lượng, không định sản xuất đúng quy trình và chưa được kiểm định có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người sản xuất hay người sử dụng do trong ván có thành phần Formaldehyde – 1 chất độc gây ung thư trong danh sách các độc tố của WHO.
3. Ứng dụng của gỗ mdf trong thiết kế nội thất
Gỗ mdf trong nội thất văn phòng
Gỗ mdf có giá cả phải chăng, thi công dễ dàng và nhanh chóng nên rất được ưa chuộng trong các sản phẩm nội thất văn phòng. Bàn làm việc, tủ hồ sơ, vách ngăn,… đều có thể được sản xuất từ loại gỗ này.
Gỗ mdf trong nội thất gia đình
Gỗ công nghiệp mdf cũng được ứng dụng phổ biến trong nội thất gia đình với những món đồ như giường ngủ tủ quần áo, bàn trang điểm,… Chúng mang phong cách hiện đại, trẻ trung, đem đến vẻ đẹp mới cho không gian sống của bạn.
4. Lời kết
Gỗ mdf vừa có chất lượng tốt, lại có tính kinh tế cao nên là loại gỗ được sử dụng phổ biến nhất trong thiết kế nội thất, đặc biệt là nội thất văn phòng. Nếu bạn mong muốn sở hữu những món đồ nội thất phong cách hiện đại, thiết kế đa dạng và bắt mắt mà không quá tốn kém thì đây thật sự là 1 lựa chọn lý tưởng nhất.
Hi vọng bài viết trên của Portfolio đã mang đến cho bạn những kiến thức hữu ích về gỗ công nghiệp mdf. Những loại vật liệu khác sẽ tiếp tục được giới thiệu đến bạn trong những bài viết tiếp theo tại chuyên mục “Vật liệu trong thiết kế”. Hãy đón đọc bạn nhé!
Lê Kiều Oanh – Tổng hợp