(Gotrangtri.vn) Tục ăn trầu của người Việt đã đi vào đời sống vật chất và tinh thần, trở thành tính biểu tượng của truyền thống văn hóa, của tập quán dân tộc, của tình nghĩa thủy chung son sắt giữa người với người từ bao đời nay của dân tộc ta. Hãy cùng Portfolio tìm hiểu về phong tục độc đáo này nhé!
1. Sự xuất hiện tục ăn trầu của người Việt trong đời sống văn hóa dân gian
– Tục ăn trầu của người Việt có từ bao giờ?
Tương truyền rằng, tục ăn trầu của người Việt đã có từ thời vua Hùng, bắt nguồn từ truyện trầu cau của Trần Thế Pháp trong sách “Lĩnh nam chích giải” được biên soạn vào khoảng năm 1370-1400, tóm tắt như sau:
“Xưa có một chàng trai tên là Quang Lang, tướng mạo cao lớn, nhà vua ban cho họ là Cao. Người họ Cao này sinh ra được hai người con, đặt tên là Tân và Lang. Lớn lên, hai anh em Tân và Lang đều theo học đạo sĩ họ Lưu. Cùng lúc đó, nhà họ Lưu có người con gái đến tuổi cập kê, được cha mẹ gả cho người anh. Kể từ ngày có vợ, hai anh em nhà họ Cao không còn gắn bó như trước. Một hôm nọ, người em buồn tủi đành bỏ nhà ra đi, giữa đường gặp một con suối lớn không qua được. Lúc này, người em vừa mệt, vừa đói, lả đi mà chết, sau đó liền hóa thành một cây cao, không cành’.
Mô phỏng sự tích Trầu Cau (Ảnh: Internet)
Người anh thấy em mãi không về đành lên đường đi tìm em. Khi đến bờ suối nọ, thương nhớ em quá nên chết thành một tảng đá bao quanh gốc cây. Người vợ của người anh đi tìm chồng cũng đến bờ suối, chết hóa thành cây leo vấn vít trên tảng đá. Lại đến lượt cha mẹ đi tìm con gái, con rể, đến bờ suối nghe dân trong vùng kể chuyện, cảm động liền lập đền thờ ba người.
Vào một ngày, vua Hùng Vương đi tuần hành dừng chân bên bờ suối. Vua biết chuyện của gia đình nọ liền bảo cận thần hái một trái cây, ngắt một lá dây leo, nhai thử thấy vị ngon, nhổ lên tảng đá thì thấy sắc đỏ tươi…bèn sai người lấy ba thứ ấy về, dạy dân lấy lửa nung đá cho xốp, cùng với trái cây, lá dây leo, cuộn chung lại mà ăn và ban ra thiên hạ: phàm những lễ giá thú, hội đồng lớn nhỏ đều phải lấy những vật làm trước. Tục ăn trầu của người Việt có từ đó.
– Dấu ấn văn hóa trong tục ăn trầu của người Việt
Ăn trầu cau thì miếng trầu có vị ngọt của hạt cau, vị cay ở lá trầu, chát nóng từ vôi, cái bùi của rễ… tất cả như tạo nên sự kích thích, làm cho thơm miệng, đỏ môi… Chất chan chát, cay cay của trầu cau làm cho răng lợi co lại, ôm sát lấy chân răng, làm hàm răng cứng chặt lại không bị lung lay. Nếu là người già, sẽ cho miếng trầu tiêm vào ống ngoáy để ngoáy cho mềm và sau đó mới nhai trầu. Nếu khách là người ở tuổi trung niên, có thể nhai miếng trầu trực tiếp và tận hưởng hương vị cay, thơm của miếng trầu. Bộ dụng cụ ăn trầu trưng bày được làm từ những nguyên liệu da dạng như: đồng, bạc cho đến gốm sứ. Bộ đầy đủ bao gồm cơi đựng trầu, bình vôi, chìa vôi, ống nhổ, dao bổ cau, ống ngoáy, chìa ngoáy, được tô vẽ hoa văn, chạm trổ về phong cảnh quê hương đất nước, hoa lá hay động vật.
Lễ mời trầu của liền anh liền chị quan họ Bắc Ninh cũng là hình ảnh liên quan đến tục ăn trầu của người Việt (Ảnh: Internet)
Hơn thế nữa, dân ta vẫn thường quan niệm rằng: “miếng trầu là đầu câu chuyện”, trao nhau miếng trầu để làm quen, để giãi bày câu chuyện.. Tập tục này nổi tiếng đến nỗi A.de Rovodes – một người Pháp nói về tục ăn trầu của người Việt Nam thế kỷ XII: “Họ có tục đem theo một vài túi vải đơn giản con đầy trầu cau đeo ở thắt lưng, họ để mở trong khi qua lại phố phường để mời bạn bè. Khi gặp họ bắt đầu chào hỏi nhau, rồi mỗi người lấy ở trong túi của bạn một miếng trầu để ăn”.
Trầu cau là vật phẩm không thể thiếu trong các lễ ăn hỏi, chạm ngõ (Ảnh: Internet)
2. Tục ăn trầu của người Việt ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần dân tộc
Hình ảnh miếng trầu trở nên vô cùng quen thuộc với đời sống sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần của người Việt Nam. Có thể nhắc đến như: trầu dùng để mời khách đến chơi nhà, trầu dùng để cúng gia tiên, trầu còn là tượng trưng cho tình yêu lứa đôi; tác hợp cho lứa đôi và là sợi dây kết chặt mối lương duyên trai, gái nên vợ thành chồng. Có rất nhiều câu ca dao, bài hát dân ca Việt Nam nói về tình yêu nam nữ qua hình tượng quả cau, lá trầu như:
“Yêu nhau cau sáu bổ ba.
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”
Hay:
“Miếng trầu ăn kết làm đôi
Lá trầu là vợ, cau tươi là chồng
Trầu xanh, cau trắng, chay hồng
Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên”.
Và trầu cau cũng là một thứ “đầu” của các sự lễ nghĩa. Bất kỳ giỗ chạp dù lớn hay nhỏ, ngày sóc ngày vọng, lễ, Tết bao giờ cũng phải có đĩa trầu cau đặt trên bàn thờ cúng tổ tiên. Học giả Phan Kế Bính từng tổng kết: “Trầu cau là một thứ đầu các sự lễ nghĩa. Phàm việc tế tự, tang ma, việc cưới xin, việc vui mừng, việc gì cũng lấy miếng trầu làm trọng”.
Tục ăn trầu của người Việt: Trầu được têm theo hình cánh phượng rất đẹp mắt (Ảnh: Internet)
Vào thế kỷ XVII, một giáo sĩ người nước ngoài là Alexandre de Rhodes – người được cho là khai sinh chữ quốc ngữ cũng cho biết: “người Bắc có tục ăn trầu là thứ có lợi cho sức khỏe và có vị ngon, bao giờ họ cũng giắt vào thắt lưng một giỏ con hay một bao đầy trầu cau, ra đường gặp bạn bè thì mở ra, rồi sau khi chào nhau lễ phép, mọi người nhận lấy một miếng trầu têm sẵn của người kia mà ăn. Vì thế trong tỉnh kẻ nào hơi khá giả thì sai đầy tớ sửa sắm thứ quà nhỏ ấy, đem biếu lẫn nhau để tỏ tình thân mật; còn thường dân không có kẻ hầu têm sẵn ở nhà thì đã có tới năm vạn hàng bán trầu lẻ rải rác khắp kinh thành”.
Tục ăn trầu của người Việt vẫn còn lưu lai đến ngày nay (Ảnh: Internet)
Ban đầu tục ăn trầu của người Việt là một thói quen, một cách làm đẹp nhưng theo thời gian phong tục ăn trầu đã trở thành một trong những yếu tố cấu thành nền văn hóa Việt Nam. Bởi thế mới nói, tục ăn trầu của người Việt là một thói quen sinh hoạt có từ lâu đời, ẩn chứa triết lý sâu sắc. Miếng trầu đã vượt lên khỏi cái thói tục hàng ngày, vượt lên khỏi một hình thức chăm sóc miệng để trở thành một thứ văn hóa rất Việt Nam, một thứ lễ tục có mặt trong mọi sinh hoạt của đời sống người Việt.
Ngày nay, tục ăn trầu của người Việt ít phổ biến hơn xưa nhưng cặp đôi trầu cau vẫn là vật không thể thiếu trong việc giao hiếu, kết thân, lễ tế, cưới hỏi. Những vật dụng dùng trong tục ăn trầu của người Việt giờ đây đã trở thành di sản của một phong tục tập quán tốt đẹp được lưu giữ mãi cho đến mai sau.
Trên đây là một vài thông tin sơ lược về tục ăn trầu của người Việt. Ghé thăm gotrangtri.vn để đọc thêm nhiều bài viết về văn hóa, phong tục tập quán của người Việt và đừng quên tìm hiểu kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế nội thất nhà đẹp bạn nhé!
Nguyễn Hoa – Tổng hợp Internet