Hotline tư vấn

0899-189-455
nghe-lam-giay-do-cua-nguoi-dao-do-2

Nghề làm giấy dó của người Dao đỏ: dấu ấn văn hóa tâm linh độc đáo

Chuyên mục: Làng nghề


(Gotrangtri.vn) – Nghề làm giấy dó của người Dao đỏ có từ lâu đời, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, tuy không phát triển theo quy mô làng nghề truyền thống như các nghề thủ công mỹ nghệ khác nhưng lại lặng lẽ tồn tại theo thời gian, thể hiện những giá trị văn hóa tâm linh độc đáo của tộc người Dao đỏ. 

Hãy cùng Portfolio tìm hiểu về những nét đặc trưng của nghề thủ công độc đáo này nhé!

Người Dao đỏ với nghề làm giấy dó

Là một dân tộc có số dân đứng hàng thứ 9 trong số 54 dân tộc ở Việt Nam, với gần 1 triệu người, người Dao còn có các tên gọi khác như: Dìu Miền, Đông, Kim Miền, Trại, …. cư trú tại các bản làng miền rừng núi trải rộng từ phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Tuyên Quang,…đến một số tỉnh trung du như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình.

Sơn La cũng là một trong những địa bàn cư trú của tộc người này, trong đó lại phân ra thành các nhóm nhỏ với những nét riêng về phong tục tập quán mà biểu hiện rõ rệt nhất là trên trang phục của họ như Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Quần Chẹt.

Mặc dù vậy, người Dao ở đây lại có chung một nghề truyền thống là nghề làm giấy dó, phát triển nhất là ở nhóm người Dao đỏ.

Nghề làm giấy dó của người Dao đỏ: dấu ấn văn hóa tâm linh độc đáo

Từ thuở xa xưa, người Dao đỏ không chỉ dùng giấy dó, đóng thành từng quyển để viết chữ, mà còn dùng để vẽ tranh, đục hoa văn để sử dụng trong các nghi lễ truyền thống như: lễ tết, ma chay, cưới hỏi.

Đặc biệt, trong các lễ: lễ cấp sắc, tết nhảy, giải hạn, thanh minh… đều không thể thiếu giấy bản (giấy dó) để vẽ, viết lên đó những điều dăn dạy cháu con làm điều lành, tránh điều ác…

Tương tự với tục hóa giấy vàng của người Kinh, người Dao đỏ cũng dùng giấy dó để cắt các hình nhân, con vật để làm lễ vật dâng lên thần linh, tổ tiên, hóa cho người đã khuất.

Mỗi tờ giấy chính là phần cốt để các nghệ nhân thổi hồn nên các tác phẩm tranh tín ngưỡng phục vụ thờ cúng, tục lệ treo tranh trong các nghi lễ, lễ hội.

Nghề làm giấy dó đòi hỏi sự công phu, tỷ mỷ

Nguyên liệu chính để làm giấy dó của người Dao là rơm, chuộng nhất là rơm của cây nếp cái hoa vàng, vừa có màu đẹp mắt, vừa có mùi thơm. Những người nghệ nhân ở đây cho biết, họ chỉ phải lấy rơm lúa nương thì mới dai, chứ lúa ruộng thì không được vì cổ lúa ruộng không mềm.

Sau khi thu hoạch lúa, tách bỏ phần lớp áo ngoài của cây, người Dao sẽ giữ lại phần rơm bên trong, đem cắt gốc, cắt ngọn, chỉ lấy thân rơm (dài khoảng 18-20cm) để làm giấy, tức là chỉ lấy từ phần cổ của bông lúa trở xuống…

Ngoài rơm, người Dao đỏ còn dùng cây vầu để làm giấy, phải lặn lội vào tận rừng sâu, mà phải chọn cây nó vừa lên mà chưa ra lá, lấy đoạn dưới thôi chứ còn chỗ non quá nó sẽ bị thối, già quá nó sẽ bị cứng thì mới có thể làm được những tờ giấy đẹp.

Nếu như rơm tạo ra sắc vàng cho giấy thì vầu lại cho ra những mẻ giấy trắng tinh. vì thế, Giấy của người Dao có hai loại: một màu trắng, một màu vàng.

Nghề làm giấy dó của người Dao đỏ: dấu ấn văn hóa tâm linh độc đáo

Ngoài hai nguồn nguyên liệu trên, bí quyết làm nghề giấy dó của người Dao đỏ chính là cây “tờ kêu” – loại cây thân dây, có thứ nhựa kết dính bột giấy mà không dính vào phên giấy.

Tuy nhiên, cũng như loại cây vầu, muốn có được loại cây này, họ phải phải đi tận vào rừng sâu mới có thể tìm được nó. Có được cây “tờ kêu” rồi, bà con sẽ đem ngâm trong một tuần lấy thứ nước giúp hòa kết mọi thứ nguyên liệu với nhau, đổ làm khuôn giấy dó.

Sau khi đã có đủ các nguyên liệu, người Dao đổ bắt tay vào công đoạn làm giấy. Công việc này đòi hỏi người làm phải có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ bởi có khi kéo dài cả tháng trời.

Ban đầu, họ buộc rơm thành từng bó nhỏ, đem luộc mềm với nước vôi và tro chừng 10 – 12 tiếng. Khi vớt rơm ra, họ bỏ vào chiếc sọt được quây bằng lá sạch mang ra suối ngâm khoảng 10 – 15 ngày, có nhà ngâm đến cả tháng cho rơm đủ độ mục, rồi vớt lên cho vào cối xay nát, lọc đi lọc lại nhiều lần để lấy phần bột mịn.

Tiếp đó, họ cạo sạch vỏ trên cây “tờ kêu”, đem đập dập rồi ngâm với nước khoảng một tuần.

Canh chừng đến khi cây tiết ra nhớt, họ lại lọc lấy nước cốt rồi pha lẫn bột giấy khuấy đều, tạo thành hỗn hợp kết dính gọi là hỗn hợp nước giấy để làm thành giấy.

Nghề làm giấy dó của người Dao đỏ: dấu ấn văn hóa tâm linh độc đáo

Tiếp đến là công đoạn đổ khuôn. Người Dao đỏ dùng khung tráng giấy làm bằng gỗ, kích thước khoảng 1 mét, căng mặt bằng vải thô, đặt ở những khoảng đất bằng phẳng.

Họ dùng gáo múc nước bột giấy tráng đều trên bề mặt khung vải thành một lớp mỏng. Công đoạn này lại đòi hỏi sự tinh tế và khéo léo bởi nếu đổ mỏng quá thì giấy dễ rách và không bóc được, dày quá thì giấy sẽ thô.

Tráng giấy xong, họ để nguyên khoảng 30 phút sau cho róc bớt nước rồi lại dựng nghiêng góc 45 độ, đem phơi nắng khoảng 2 ngày là bóc giấy.

Khi bóc giấy, người Dao đỏ dùng một thanh tre mỏng, nhẵn hoặc dùng mảnh xương sườn trâu, bò đã mài nhẵn lách bốn phía xung quanh khung giấy để cắt góc giấy rồi dùng hai tay kéo mặt giấy bóc nhẹ, đều từ trên xuống dưới, cuối cùng thu được những lớp giấy dó mỏng, có mầu trắng đục, một mặt mịn bóng, một mặt hơi thô ráp.

Nghề làm giấy dó của người Dao đỏ: dấu ấn văn hóa tâm linh độc đáo

Hiện nay, nghề làm giấy dó vẫn được người Dao đỏ duy trì và phát triển.

Tuy không còn thịnh hành như trước nhưng họ vẫn tiếp tục giữ lấy nghề truyền thống của ông cha bởi họ quan niệm rằng đây là nghề tổ dân tộc mình, họ phải có trách nhiệm tiếp tục truyền lại cho con, cháu.

Hằng năm, mỗi nhà nấu nguyên liệu giấy khoảng một nồi 500 lít, tráng giấy đủ dùng cho cả năm.

Trung bình mỗi gia đình người Dao Đỏ ở Sơn La một năm phải làm khoảng 100 tờ giấy để phục vụ các lễ nghi, nhà nào không có điều kiện làm có thể làm sẵn nguyên liệu, đổi công cho nhà khác làm giúp hoặc có thể mua của nhau.

Trên đây là một vài thông tin hữu ích về nghề làm giấy dó của người Dao đỏ ở Sơn La.

Trong các bài viết sau, chúng chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu tới Quý độc giả những nghề thủ công mỹ nghệ cũng như phong tục tập quán độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam. Đừng quên theo dõi gotrangtri.vn và đặt yêu cầu tư vấn thiết kế nội thất bạn nhé!

Thiết kế nội thất
Kiến tạo cảm xúc

Chúng tôi tính toán mọi chi tiết để đảm bảo rằng mỗi bản thiết kế nội thất là sự kết nối phù hợp, tối ưu chi phí đem đến sự hài lòng cho khách hàng. 
Giải pháp tư vấn, thiết kế & thi công nội thất của Gotrangtri.vn mang lại sự đơn giản mà tinh tế trong không gian trọn vẹn.


Bình luận bài viết

Hotline

Chat Zalo
Chat Facebook
Kênh Tiktok
Kênh Youtube
Lazada