(Gotrangtri.vn) Đã từ bao đời nay, lễ hội Cá Ông (hay còn gọi là lễ tế cá Voi) là lễ hội truyền thống lớn và linh thiêng nhất của người dân miền biển.
Hãy cùng Portfolio khám phá những nét đẹp văn hóa tâm linh của lễ hội Cá Ông trong bài viết này nhé!
1. Các tên gọi khác nhau của lễ hội Cá Ông miền biển
Việt Nam có đường bờ biển dài 3260 km, trải dài qua nhiều tỉnh thành từ Quảng Ninh đến mũi Cà Mau.
Do đó, văn hóa miền biển của nước ta rất đa dạng, phong phú. Trong đó, lễ hội Cá Ông được xem là nét đẹp truyền thống văn hóa chung mà ở bất cứ miền nào cũng có.
Chính vì vậy, lễ hội Cá Ông có nhiều tên gọi khác nhau: lễ rước cốt ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá Ông, lễ nghinh Ông Thủy tướng,… Nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá Ông là sinh vật biển thiêng liêng, là cứu tinh đối với người đánh cá và làm nghề biển nói chung.
2. Nét đẹp văn hóa tâm linh của lễ hội Cá Ông miền biển
Lễ hội Cá Ông là một nét văn hóa đặc trưng của người dân ven biển như: Vũng Tàu, Khánh Hoà, Bình Thuận, Cà Mau, TP Hồ Chí Minh.
Theo quan niệm chung, lễ hội vừa là dịp cho ngư dân cầu mong bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống được no ấm thịnh vượng, hạnh phúc trường tồn, vừa là dịp để các địa phương thu hút du khách trong và ngoài nước góp phần nâng cao doanh thu cho ngành du lịch.
Lễ hội Cá Ông còn là nơi cho mọi người tưởng nhớ đến việc báo nghĩa, đền ơn, uống nước nhớ nguồn.
3. Hình thức tổ chức lễ hội Cá Ông miền biển
Tùy theo từng địa phương mà lễ hội Nghinh Ông sẽ diễn ra vào một thời điểm nhất định trong năm với nhiều nghi thức long trọng được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh hưởng ứng.
Tại Vũng Tàu điển hình là Lễ hội Nghinh Ông đình Thắng Tam được tổ chức vào ngày 16, 17, 18 tháng 8 âm lịch hàng năm.Tại thị trấn Cần Giờ TP.HCM người dân tổ chức lễ hội hàng năm từ 14-17/8 âm lịch.
Còn tại Khánh Hòa lễ hội được tổ chức vào ngày 15/12 âm lịch. Cộng đồng người Hoa ở Bình Thuận thì lại tổ chức vào rằm tháng 7 âm lịch. Ở Cà Mau bà con nơi đây tổ chức vào ngày 14-16/2 âm lịch…
- Nét độc đáo lễ hội nhảy lửa có một không hai của người Pà Thẻn
- Khám phá lễ hội Ok Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ
- Lễ hội bánh Nam Bộ – “Cội nguồn chiếc bánh quê hương”
Dù ở địa phương nào thì lễ hội Nghinh Ông đều diễn ra với các trình tự như: Phần lễ với các nghi thức Lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển; Lễ tế diễn ra trang trọng sau lễ rước với nghi thức cổ truyền.
Các lễ cầu an, xây chầu đại bội, hát bội diễn ra tại lăng ông Thủy tướng.
Phần hội các ngư dân mời thỉnh lẫn nhau, kể cả khách từ nơi xa đến cùng nhau ăn uống, vui chơi, trò chuyện thân tình…các trò chơi dân gian thả vịt chạy, bắt vịt, trói cua, quăng chài, vá lưới trên bờ biển diễn ra sôi nổi cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình của du khách.
Lễ hội Cá Ông không chỉ là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân biển mà còn là một nét vẽ độc đáo trong bức tranh văn hóa dân tộc, cần được gìn giữ và phát huy.
Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn về lễ hội truyền thống Cá Ông.
Thường xuyên đón đọc những bài viết tiếp theo của gotrangtri.vn để hiểu thêm về văn hóa – mỹ nghệ truyền thống của dân tộc và các phong cách thiết kế nội thất độc đáo ở trên khắp thế giới nữa nhé!