(Gotrangtri.vn) Lễ hội Rước Mục Đồng ở làng Phong Lệ là một trong những lễ hội truyền thống lớn của tỉnh Đà Nẵng.
Lễ hội vừa mang nét bình dị, chất phác của vùng nông thôn yên bình vừa náo nhiệt, vui vẻ với nhiều hoạt động thú vị tạo nên một không gian văn hóa sống động.
Hãy cùng Portfolio khám phá nét đẹp văn hóa cổ truyền của lễ hội Rước Mục Đồng ngay bây giờ nhé!
Vài nét về làng Phong Lệ và lễ hội Rước Mục Đồng
Làng Phong Lệ nay thuộc thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang là nơi tổ chức Lễ hội Rước Mục Đồng 3 năm một lần.
Người dân nơi đây lưu truyền một câu chuyện, kể rằng làng Phong Lệ xưa có một cồn cỏ.
Ngày nọ, có người xua đàn vịt lên cồn, chân vịt bỗng bị dính chặt xuống đất như có bàn tay ai đó níu lại. Cho là có thần linh giáng hạ nên chẳng ai dám bén mảng đến cồn. Từ đó nơi đây trở thành Cồn Thần.
Một hôm, có đàn trâu trong làng chạy lạc đến cồn, đám trẻ chăn trâu đến tìm nhưng không hề hấn gì cả.
Từ đó có tiếng đồn là cồn Thần chỉ cho các trẻ chăn trâu đến gần mà thôi. Xóm Cồn về sau được gọi là xóm Đồng, làm nơi tụ tập của các mục đồng trong làng.
Câu chuyện lạ lùng ấy, sau nhiều thế hệ dần dần hình thành một lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, gọi là lễ rước Mục đồng, diễn ra vào ngày 1-4 âm lịch.
- Nét đẹp văn hóa của làng cổ tơ tằm Vọng Nguyệt thu hút du khách
- Tìm hiểu dòng chảy lịch sử qua lễ hội Cố đô Hoa Lư
- Lễ hội hoa hồng Bulgaria tại Hà Nội hội tụ đủ sắc hoa rực rỡ
Ban đầu, lễ Rước Mục Đồng được tổ chức 3 năm một lần, sau giãn dần ra 6 năm, rồi cuối cùng là 12 năm. Năm 2007, lần đầu tiên sau hơn 70 năm vắng bóng, Lễ hội Mục đồng đã được bà con 17 họ tộc làng Phong Lệ ngày nay tự đóng góp tiền của phục dựng với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng.
Năm 2010, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng phối hợp với làng Phong Lệ tổ chức lễ hội lần thứ hai và đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về một lễ hội đậm chất nhân văn dành riêng cho trẻ mục đồng. Như vậy, lễ Rước Mục Đồng được xem trọng và tạo điều kiện khôi phục, phát huy nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa.
Các hoạt động diễn ra trong Lễ hội Rước Mục Đồng
Lễ bắt đầu vào sáng tinh mơ ngay giữa đình thần. Sau khi hương khói, khấn lễ, Trùm Mục (người cai quản các mục đồng) lễ phục tươm tất trịnh trọng tiến vào hậu tẩm khấn vái, cung kính thỉnh bài vị thần nông nâng cao ngang mày rồi quỳ xuống vào đặt vào trong kiệu gỗ.
Kiệu rước được bài trí như kiệu rước thần, cỡ 80 x 100 cm, nóc kiệu có 4 mái, rèm cửa sổ đẹp của kiệu được giăng hoa kết đèn rực rỡ, kiệu do 4 mục đồng khiêng.
Đoàn người cờ xí xếp hàng đâu vào đấy, chiêng trống lại gióng giã vang lên; tất cả mục đồng hướng vào chánh điện đồng loạt chắp tay xá ba cái rồi đám rước dài lượt thượt đi qua đường làng, hướng về Cồn Thần, trong tiếng nhạc rộn rã của phường bát âm và cờ xí rợp trời.
Đến Cồn Thần, giàn cổ nhạc cùng với chiêng trống vang lên. Vị chủ tế thay mặt dân làng dâng lễ cáo trình xin được rước Thần về đình để cúng tế.
Sau một hồi khấn vái, vị chủ tế thảy hai đồng xu lên chiếc đĩa nhỏ để “xin keo” (xin “âm dương”), nếu rơi xuống mặt đĩa một ngửa một sấp (một âm một dương) thì ra hiệu báo cho mọi người biết rằng Thần đã giáng hạ. Thế là đoàn người hân hoan rước kiệu Thần về làng.
Trời vừa sáng, đám rước về đến đình làng. Sau đó là lễ đặt bài vị và lễ dâng vật cúng của dân làng.
Trong lễ, mọi người ai ai cũng giữ sự cung kính trước đám mục đồng. Lễ vật xôi gà được bày trên chiếu hoa trải khắp ba gian đình, ai nấy đều hoan hỉ vì tin rằng lòng thành của mình đã được thần mục chứng giám; và ngày mai, đồng ruộng sẽ tốt tươi.
Lễ hội Rước Mục Đồng của làng Phong Lệ (Đà Nẵng) được xem là lễ hội truyền thống có một không hai, lưu giữ được nét đẹp văn hóa, niềm tin tâm linh của người dân nơi đây. Đặc biệt, lễ hội này đang rất cần được bảo tồn và phát triển.
Đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo của gotrangtri.vn để cập nhật nhiều thông tin hữu ích cũng như học hỏi kinh nghiệm hay về mọi lĩnh vực trong cuộc sống, đặc biệt là được ngắm nhìn những mẫu thiết kế nhà đẹp nhé!