(Gotrangtri.vn) – Đình Tây Tằng được ví như một kho tàng nghệ thuật dân gian của thế kỷ thứ 16 với những kiến trúc độc nhất vô nhị của tổ tiên ban tặng cho các thế hệ con cháu muôn đời sau.
Hãy cùng Portfolio tìm hiểu về kiến trúc độc đáo này nhé!
Đình Tây Tằng – tinh hoa sáng tạo của người Việt
Là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam, Đình Tây Đằng đã ngót 500 năm tuổi, được xây dựng vào thời nhà Mạc năm Đại Chính nhị niên (1531).
Ngôi đình thờ Đức Thánh Tản Viên Đệ Nhất Phúc Thần – vị thần sinh vào thời vua Hùng thứ XVIII, cũng là một trong bốn vị thánh bất tử của Đạo giáo Việt Nam, một trong những nhân vật hàng đầu của thần thoại Việt – Mường cổ.
Sử sách ghi chép lại, thần có tên là Nguyễn Tuấn, con của ông Nguyễn Cao Hành và bà Đinh Thị Đen, ở Động Lăng Xương, huyện Thanh Nguyên, phủ Gia Hưng, đạo Hưng Hóa, xứ Sơn Tây (nay là huyện Thanh Sơn, Phú Thọ).
Được dựng từ thế kỷ 16, đình Tây Tằng là một trong những ngôi đình đẹp và cổ kính nhất Việt Nam còn tồn tại đến nay, cũng là ngôi đình đứng đầu trong chuỗi đình của vùng đất Quảng Oai (xứ Đoài) xưa mang những nét độc đáo của nghệ thuật kiến trúc đình làng vô cùng khác biệt.
Cho đến thời đại ngày nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm kiếm và phát hiện được công trình nào làm từ gỗ còn nguyên vẹn lại có niên đại cổ hơn đình Tây Đằng.
Không chỉ vậy, giới khảo cổ học, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc còn ghi nhận, đình Tây Tằng là một tổng thể kiến trúc độc đáo có một không hai, thể hiện tinh hoa sáng tạo của người Việt một thời với quy mô đồ sộ, khung cảnh thiên nhiên mỹ lệ, đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc chạm trổ, trang trí còn lưu giữ lại trên các thiết kế nội thất bên trong như: ban thờ, cột kèo, xà, đấu, ván long, lá gió…..
Tìm hiểu về kiến trúc đình Tây Tằng
Về thiết kế cấu trúc tổng thể, đình Tây Tàng có năm gian, bốn mái, nằm trên một khuôn viên rộng lớn, thoáng đẹp, hướng Nam mé Tây trông về đền Đức Thánh Tản trên núi Ba Vì.
Đến nay, đình vẫn còn giữ nguyên được các hạng mục như cổng vào, hồ bán nguyệt, cổng nghi môn, tả hữa mạc và tòa đại đình, hòa quyện vào nhau thành một thể nhất quán.
- Kiến trúc độc đáo của ngôi nhà cổ nhất ở Sài Gòn tồn tại 200 năm
- Kiến trúc Bình phong trong nhà vườn truyền thống của người Huế
- Khám phá kiến trúc cung đình triều Nguyễn qua di tích kinh thành Huế
Từ cổng chính đi vào, ta bắt gặp một hồ nước lớn được coi là giao hòa giữa trời cha đất mẹ dâng đầy linh khí.
Tiếp đến là nghi môn, gồm bốn cột đồng trụ, hai cột thấp bên trên có hai nghê chầu, hai cột cao, bên trên mỗi đầu cột có bốn chim phượng uốn lượn vút lên như một bông hoa dành dành, thể hiện thế nghiêm thiêng của ngôi đình.
Hai phía bên phải và bên trái là tả vu và hữu vũ. Tuy nhiên, trong ghi chép lịch sử ngôi đình, nhà tả vu và hữu vu trong kiến trúc đình Tây Tằng xưa đã bị đổ nát từ lâu, mãi đến khi tiến hành trùng tu thì mới được dựng lại.
Đầu hồi phía phải của ngôi đình là một giếng cổ, thành giếng xây bằng đá ong, bên trong chứa đầy nguồn nước trong mát quanh năm.
Cũng theo ghi ghép để lại, giếng cổ này trước đây nằm ngoài hàng rào của khuôn viên đình, mãi sau này mới được đưa vào khuôn viên bên trong khiến sự linh diệu của ngôi đình càng toát lên nhiều hơn.
Sau nghi môn là một khoảng sân rộng. Đây cũng là khuôn viên tổ chức lễ hội vào dịp xuân về hoặc những ngày cúng tế.
Về kết cấu, đình Tây Tằng có năm gian, bốn mái với tổng thể 48 cột lớn nhỏ, đều làm bằng gỗ mít, cột cái lớn nhất có đường kính đến 80cm.
Điểm đặc biệt trong kiến trúc đình Tây Tằng đó là đình chỉ có hệ thống cột chống dàn mái, tạo nên một không gian thoáng đãng, tràn đầy ánh sáng, trong khi các ngôi đình khác đều có bứng ván hoặc xây tường xung quanh (các nhà kiến trúc cho rằng, cột chống dàn mái ở đây có sức chịu lực tương đương móng một căn nhà bảy tầng), nhờ đó công trình trở nên thông thoáng hơn và bền vững với thời gian.
Một đặc điểm khác biệt trong kiến trúc đình Tây Tằng mà hiếm thấy ở các ngôi đình cổ khác đó chính là các họa tiết trang trí trên các cột kèo không một chi tiết nào giống nhau.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, mỗi hoa văn được điêu khắc chạm trổ ở đây đều có có một kiểu riêng, mang tính đặc sắc của các vùng miền văn hóa khác nhau như:
Họa tiết người nông dân trồng cấy lúa thể hiện văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ; họa tiết quăng chài bắt cá thể hiện văn hóa tập tục của vùng sông nước miền duyên hải; họa tiết đua thuyền thể hiện đặc trưng văn hóa của người Nam Bộ; họa tiết chơi đàn tính thể hiện nét đẹp bản sắc của đồng bào Tày Nùng; họa tiết voi chầu mang đặc trưng văn hóa vùng Tây Nguyên…
Ngoài ra còn rất nhiều kiểu dạng họa tiết khác nữa như: đấu vật, kéo co, cá vượt vũ môn hóa rồng, bộ tứ linh…..
Trên đây là một số tài liệu tổng hợp từ các công trình nghiên cứu của nhiều kiến trúc sư về đặc điểm kiến trúc đình Tây Tằng.
Đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo để khám phá những nét đặc sắc về kiến trúc văn hóa – mỹ nghệ và những công trình kiến trúc với phong cách thiết kế nội thất độc đáo của Việt Nam nhé!