(Gotrangtri.vn) Bình phong tuy là yếu tố nhỏ trong tổng thể kiến trúc nhà vườn truyền thống của người Huế, nhưng lại rất quan trọng, thể hiện được kỹ thuật xây dựng và đời sống tinh thần phong phú trong tâm thức của người dân Huế xưa.
Hãy cùng Portfolio tìm hiểu về kiến trúc độc đáo này nhé!
1. Kiến trúc bình phong là gì?
Kiến trúc bình phong là hiện thân của lối kiến trúc mang đậm tính dân gian (bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa) và đến nay vẫn còn hiện hữu rất nhiều ở các ngôi nhà vườn truyền thống ở Huế.
Theo quan niệm tâm linh và phong thủy của người Trung Hoa, việc sử dụng bình phong bắt nguồn từ lý thuyết về Triều và án trong Phong thuỷ. “Triều” có nghĩa là “quay về, hướng về”, viết tắt của chữ Triều sơn, tức chỉ núi quay về, chầu về nhà cửa hay mộ phần-tựa như sự đối ứng giữa chủ và khách.
“Án” vốn nguyên có nghĩa gốc là cái bàn, bàn đương nhiên là đặt trước mặt của người ngồi.
Án sơn là để chỉ ngọn núi nhỏ ở phía trước gia trạch hay mộ phần.
Hội tụ hai yếu tố này, bình phong có chức năng gia tăng tính bền vững của đất cuộc, ngăn cản những ảnh hưởng xấu (theo quan niệm dân gian) hay Hỏa khí (theo thuyết âm dương Ngũ hành) xâm nhập trực diện từ phía trước.
Vốn chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của văn minh Trung Hoa và các học thuyết phong thuỷ, người Việt nhanh chóng tiếp nhận quan niệm này và đưa vào đời sống hằng ngày, thậm chí người Việt đã phát triển quan niệm về chiếc bình phong trở nên phong phú, đa dạng lên nhiều hơn so với người Hán.
Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong thiết kế kiến trúc của nhà vườn truyền thống ở Huế: trong tổng thể kiến trúc của ngôi nhà, kiến trúc bình phong rất được ưa chuộng và thường được xây dựng ngay trước mặt tiền của nhà, nằm ngay sau cửa ngõ.
Theo tài liệu ghi chép: Ban đầu, bình phong được làm bằng các vật liệu gần gũi với cuộc sống như tre nứa, gỗ,…. sau được cải tiến và sử dụng các vật liệu như gạch, đá… không chỉ gia tăng độ bền mà còn phong phú, phức tạp hơn về mặt kiểu dáng.
Về thiết kế, bình phong có thể chia làm ba phần chính như sau:
Phần đỉnh (có thể có hoặc không): Bình phong ở các phủ đệ thường có phần đỉnh, họa tiết mặt Nhật và Long Phụng. Các Bình phong dạng cuốn thư thường không có phần này.
Phần thân: Có hai cánh đối xứng nhau, thường ghi câu đối, hình vẽ bát quả, bát bửu, tứ quý,…. thường tạc chữ Thọ, chữ Phước hoặc hình vẽ tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) ở phần giữa thân, mỗi một chữ/ hình đều có ý nghĩa biểu tượng khác nhau
Phần đế: Phần này thường được thiết kế cao bằng bể cạn (đặt ở trước Bình phong).
Một số nhà thiết kế bình phong không có Bể cạn thì phần đế có thể là khối chữ nhật đơn giản, một số khác thì có thêm họa tiết vân mây, sóng nước truyền thống.
2. Đặc điểm kiến trúc bình phong ở nhà vườn truyền thống Huế
Ở Việt Nam, có lẽ không nơi nào vẫn còn giữ được nhiều kiểu bình phong như ở Huế.
Dù giàu hay nghèo, trong khuôn viên nhà của Huế xưa thường có cho mình một bức bình phong án ngữ ngay mặt tiền ngôi nhà.
Đến vùng đất cố đô này, chúng ta có thể chiêm ngưỡng hàng trăm mẫu thiết kế kiến trúc bình phong khác nhau, hiện diện trong các công trình kiến trúc khác nhau như: cung đình, lăng tẩm, phủ đệ, đình làng, miếu mạo,… cho đến những ngôi nhà vườn truyền thống xưa của người dân.
Theo công trình nghiên cứu của các kiến trúc sư (KTS Trần Thị Quỳnh Hương, TS.KTS Nguyễn Ngọc Tùng, KTS Tâm An, KTS Đinh Báo Hiếu) kiến trúc bình phong ở nhà vườn Huế có những đặc điểm rất khác biệt:
Thứ nhất, về hoa văn: Hoa văn xuất hiện trên các Bình phong ở Huế rất đa dạng, có thể chia làm ba nhóm sau: nhóm chữ viết, nhóm con vật và nhóm họa tiết trang trí.
Trong đó, hoa văn thuộc nhóm chữ khá được ưa chuộng, và chữ Thọ được sử dụng trang trí nhiều nhất, tiếp đến là chữ Phước… nhưng mặc nhiên không có bất cứ bình phong nào có chữ lộc.
Bởi theo nhận xét của các nhà nghiên cứu, Bình phong không dùng để cầu lộc, tiền tài mà chỉ cầu sự may mắn, trường tồn.
Tiếp đến là hoa văn thuộc nhóm họa tiết trang trí như: họa tiết tứ linh long, ly quy phượng, hay nhật nguyệt, bát quả, hoa sen….
Nhưng những họa tiết cao quý ấy chủ yếu được sử dụng trong kiến trúc bình phong ở các cung đình, phủ đệ, ít sử dụng ở bình phong nhà dân.
Thứ 2, về vật liệu: Vật liệu phổ biến nhất là gạch đá. Tuy nhiên, ở một số ngôi nhà vườn truyền thống ở Huế vẫn có những bình phong làm bằng bụi tre, trúc, chè tàu, mảnh sành, sứ….Điển hình đó là bức bình phong tại Kim Long hay lăng Tự Đức.
Đó là những bức bình phong khảm sành sứ được đánh giá đẹp nhất nước, không chỉ có ý nghĩa về mặt phong thủy, mà còn mang tính nghệ thuật cao và độc đáo, thể hiện kỹ thuật xây dựng độc đáo thể hiện bàn tay tài hoa của những nghệ nhân khảm sành xứ Huế.
Những mảnh gốm sứ, mảnh chai được cắt tỉa theo hình dáng và màu sắc khác nhau, gắn lại bằng những chất kết dính như vôi hàu, mật mía tạo nên những hình tượng cầu kỳ, đẹp mắt.
Thứ 3, về kiểu dáng: Kết quả nghiên cứu, thống kê và khảo sát của nhóm kiến trúc sư cho thấy, 78% kiến trúc bình phong ở Huế có dạng cuốn thư, còn lại là các dạn Bình phong có mái, Bình phong Chè tàu, và dạng khác.
Trên đây là một số thông tin tổng hợp từ các công trình nghiên cứu của nhiều kiến trúc sư về kiến trúc Bình phong ở nhà vườn truyền thống Huế, đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo để khám phá những nét đặc sắc về kiến trúc văn hóa – mỹ nghệ khác của Việt Nam nhé!
[Theo Tạp chí Kiến trúc số 07 -2015]