(Gotrangtri.vn) Làng Nôm Hưng Yên luôn là điểm đến lý tưởng của những người ưa thích khám phá văn hóa, nghệ thuật kiến trúc cổ đại của Việt Nam.
Trong bài viết này, Portfolio sẽ tiếp tục giới thiệu đến quý bạn đọc những nét độc đáo, đặc sắc trong thiết kế kiến trúc của ngôi làng cổ 200 năm này.
1. Độc đáo Cầu Đá – Làng Nôm Hưng Yên
Nhắc đến làng Nôm Hưng Yên có lẽ không thể không nhắc đến Cầu Đá bắc ngang dòng sông Nguyệt Đức, được coi là biểu tượng của người dân làng Nôm vậy, cũng hình ảnh quen thuộc đã đi vào các câu ca dao như:
Ai về cầu đá làng Nôm
Mà xem phong cảnh nước non hữu tình
Hay: Theo em đi chợ Cầu Nôm
Chợ Cầu hai dãy vẫn còn như xưa
Đứng trên Cầu Đá em chờ
Anh dương máy anh làm “pô” điệu đàng
Cầu Đá làng Nôm Hưng Yên có niên đại hơn 200 năm tuổi.
Theo các nhà nghiên cứu di sản đánh giá, Cầu Đá còn là một công trình cổ hiếm hoi còn nguyên vẹn chưa từng thấy ở bất cứ làng cổ nào của Đồng bằng sông Hồng, vừa mang giá trị văn hóa, lịch sử, vừa là biểu tượng kiến trúc độc đáo một thời.
Tương truyền, vào thế kỷ XVI, cây cầu này được làm bằng gỗ lim.
Để đảm bảo an toàn cũng như độ chắc chắn, thuận tiện cho việc đi lại của người dân, thời Tự Đức (1848- 1883) cầu được các nghệ nhân xưa thay hoàn toàn bằng đá với thiết kế rất độc đáo, rất xảo diệu và cầu kỳ, toát lên tính nghệ thuật cao.
Cấu trúc cầu gồm 9 nhịp (theo quan niệm dân gian, số 9 là con số tượng trưng cho sự may mắn), mặt cầu làm hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối, gồm nhiều phiến đá gắn khít lại với nhau; dầm cầu hình chữ nhật, được chạm trổ hình vân mây – họa tiết trang trí điển hình trong kiến trúc cổ được tạo tác công phu thoạt trông như những đầu rồng; hai bên thành cầu còn hầu như nguyên vẹn các mỏm đá dầm cầu; chân cầu là những cột đá hình trụ đã bị xói mòn bởi thời gian, không đều nhau được đẽo thô để gác dầm cầu.
Điểm đặc biệt của cây cầu còn là tính bền vững trong kết cấu. Mặc dù mặt cầu, mố cầu và chân cầu không có vật liệu liên kết chắp nối mà chỉ gác lên nhau, nhưng sau hơn 200 năm qua, mặt cầu vẫn phẳng, chắc chắn và vững chãi. Đó chính là minh chứng điển hình nhất về trình độ thiết kế, gia công vật liệu và thi công cầu của những người nghệ nhân xưa rất đáng nể phục và ngưỡng mộ.
Ngoài Cầu Đá, Làng Nôm Hưng Yên còn nổi tiếng với rất nhiều cây cầu khác cũng rất đẹp và nên thơ như Cầu Gạch và Cầu Đá ra thủy đình ở gần đình làng Nôm…
2. Nhà thờ họ tại làng Nôm Hưng Yên
Theo cấu trúc không gian làng Nôm đã nhắc đến ở bài trước, nhà thờ họ của làng Nôm Hưng Yên quy tụ hai bên ao làng với thiết kế cổ kính.
Trải qua nhiều thập kỷ, nhiều nhà thờ của nhiều họ đã được tân trang, trùng tu và xây mới lại nhưng tựu chung, hệ thống nhà thờ họ tại ngôi làng cổ 200 năm này vẫn giữ nguyên vẻ uy nghi và trang nghiêm vốn có, núp dưới không gian xanh nên cảnh quan chung của làng không bị phá vỡ.
Các công trình nhà thờ họ tại đây hầu hết đều có khuôn viên độc lập, tường quây kín và chỉ có một lối vào duy nhất từ đường lớn hoặc ngõ lớn.
3. Giếng làng Nôm Hưng Yên
Từ thuở xa xưa, cộng đồng làng xã người Việt đều coi giếng làng là một hình ảnh vừa thiêng liêng, vừa thân thuộc gần gũi, là nơi chứa đựng linh khí của làng nên quá trình giữ gìn và bảo quản khuôn viên cũng như nguồn nước tại đây vô cùng sạch sẽ.
Ở làng Nôm Hưng Yên cũng vậy. Ai về làng Nôm chắc hẳn không thể không ghé thăm chiếc giếng đá cổ có niên đại hàng nghìn năm tuổi được xây dựng bằng đá xanh.
Người dân làng Nôm coi giếng này là “mắt rồng” của làng từ thời xa xưa.
Theo quan niệm phong thủy, để bảo vệ sự linh thiêng của giếng làng, người dân đã thiết kế và xây dựng một khuôn viên hình bát giác với tường bao quanh; mặt ngoài của thành giếng được trang trí bằng nhiều bức họa nhưng nay đã phai mờ; sau giếng có bình phong hình cuốn thư, trên có khắc dòng chữ “Âm Hà Tư Nguyên” (tức là “uống nước nhớ nguồn”), nhắc nhở về truyền thống của dân tộc, về đạo lý làm người.
Phía dưới cuốn thư là chữ “Thọ”, thể hiện ước nguyện về sự trường tồn mãi mãi với thời gian.
Bên cạnh giếng cổ này, người dân còn cho chôn một tấm bia nhỏ tạc hai chữ “Hạ Mã” – “xuống ngựa” như một lời nhắc nhở đối với người qua đường phải tuân thủ phép tắc lề thói khi bước vào khu vực linh thiêng này.
Đặc biệt, khác với nhiều giếng cổ khác ở các làng xã Việt, giếng làng Nôm Hưng Yên được đậy nắp quanh năm, nước giếng không được sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày mà chỉ mở vào những dịp lễ đặc biệt.
Ngoài những nét đặc trưng trên, làng Nôm còn tồn tại rất nhiều công trình cổ, là một kho tàng văn hóa nghệ thuật sống cùng năm tháng.
Hãy thử một lần ghé thăm ngôi làng cổ này để tận hưởng không gian cổ kính, khám phá những công trình kiến trúc độc đáo nơi đây và đừng quên theo dõi gotrangtri.vn để khám phá những nét đẹp văn hóa và mỹ nghệ truyền thống của dân tộc nhé!
bài viết này hay quá. cảm ơn tác giả