Đình làng là một trong những công trình kiến trúc truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam.
Trải qua các thời kì lịch sử, nghệ thuật kiến trúc đình làng Việt Nam có thay đổi và chịu ảnh hưởng ngoại lai như các loại hình kiến trúc thời kì phong kiến hay không, hãy cùng chuyên trang Portfolio tìm hiểu nhé!
1. Nghệ thuật kiến trúc đình làng Việt Nam: Đình làng có từ bao giờ?
Men theo dòng lịch sử, trở về những năm thế kỉ 16,17 – khi xảy ra cuộc nội chiến giữa các tập đoàn phong kiến thống trị như nhà Trịnh và nhà Mạc ở phía Bắc, giữa chúa Nguyễn và nhà Trịnh ở miền Nam, đình làng bắt đầu được hình thành.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa, trong bối cảnh rối ren đó, thế lực của triều đình ngày càng suy yếu, thay vào đó là sự nổi dậy của các nho sĩ, quân thần và các thế lực bất mãn với triều đình đã tách khỏi sự quản lý quản lý, áp chế của nhà nước để trở về quê nhà để ẩn dật, lấy tập tục sinh hoạt của địa phương làm chỗ dựa tinh thần và hình thành nên các nếp sống đạo đức mới dành cho mọi tầng lớp, điển hình là tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên.
Cũng từ đó, đình làng ra đời, trở thành nơi thờ vị Thành hoàng – người có công với làng nước, nơi tổ chức các lễ hội, cũng chính là địa điểm sinh hoạt chung cho cả cộng đồng.
Hình ảnh đình làng cũng gắn bó khăng khít với đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt cũng vì thế.
2. Nghệ thuật kiến trúc đình làng Việt Nam có gì đặc biệt?
Theo thống kê, nghiên cứu và khảo sát, hầu hết các đình làng đều được xây dựng ở các khu đất cao ráo nằm ở vị trí đầu làng hoặc giữa làng để tiện cho việc tổ chức sinh hoạt chung cho cộng đồng.
Hầu hết các ngôi đình làng đều được xây dựng từ các loại gỗ lâu năm, các cột cái, cột quân, xà dọc, xà ngang, đầu bẩy,… đều được ăn khớp với nhau bằng mộng, tháo ráp dễ dàng.
Ngoài ra, các chân cột đều được kê lên đá để dễ di chuyển khi xảy ra lụt lội.
Nghệ thuật kiến trúc đình làng Việt Nam cũng rất đa dạng. Đầu thế kỉ 16, phần lớn các ngôi đình ở Việt Nam đều có kiến trúc thiết kế theo hình chữ Nhất (一), tức là chỉ có một nếp nhà ngang, không gian bên trong đình được chia thành nhiều gian, ngăn bằng các bức vách gỗ.
Theo truyền thống và quan niệm của người Việt, số gian tại đình luôn là số lẻ). Bố cục kiến trúc đình làng đa số được chia thành các gian chính như: Gian giữa là trung tâm cân đối bố cục cho các gian hai bên, cũng là nơi thờ phụng Thành Hoàng làng. Bàn thờ được đẩy cao và lùi về hàng cột phía trong – được gọi là hậu cung.
Chúng ta có thể thấy nghệ thuật kiến trúc đình làng Việt Nam này ở các ngôi đình cổ như đình Chu Quyến, đình Tây Đằng – Hà Tây.
Tuy nhiên, bối cảnh xã hội luôn có sự thay đồi qua các thời kì. Nghệ thuật kiến trúc đình làng Việt Nam cũng có sự thay đổi theo thời cuộc và theo tư duy của người Việt.
Quy mô các ngôi đình được mở rộng hơn, thiết kế kiến trúc theo nhiều kiểu dạng hơn, như: Hình chữ Nhị (二) – điển hình là đình Phù Lão ở Bắc Giang, Hình chữ khẩu (口): điển hình là đình Võ Liệt ở Nghệ An, Hình chữ Công (工): điển hình đình Thổ Hà ở Bắc Giang….
Đặc biệt, có các ngôi đình được thiết kế theo hình chữ Đinh (丁) như đình Bảng (Bắc Ninh), đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang).
Với kiến trúc này, ngôi đình sẽ được xây thêm phần hậu cung để tách riêng nơi thời thần Hoàng Làng.
Mặc dù kiến trúc đình làng Việt Nam có sự thay đổi khá đa dạng phong phú nhưng các nhà nghiên cứu lại cho rằng: dù kiến trúc đình làng có phát triển như thế nào thì phần quan trọng nhất trong nghệ thuật kiến trúc đình làng Việt Nam vẫn là tòa Đại Đình.
Ngoài phần xây thêm phía trước tòa Đại Đình là nhà tiền tế, phương đình, các gian bên là tả hưu – hữu hưu, phong thủy vượng, có hồ ao soi bóng, cây đa bến đình thì tòa Đại Đình là phần chiếm 2/3 chiều cao của đình, có phần mái xoè rộng.
Cũng bởi thiết kế mái rộng nên đình làng có một không gian cách nhiệt tốt, phù hợp với khí hậu Việt Nam.
Một đặc điểm rất đáng chú ý và cũng là một đề tài nghiên cứu nhiều năm của các nhà lịch sử đó chính là thiết kế kiến trúc phần mái: dù phần mái rất rộng nhưng trông vẫn nhẹ nhàng thanh thoát với các đầu đao uốn cong, cuộn lên thành các dải hoa văn bay bổng.
Trên các bờ nóc mái đình được trang trí bằng các hình tượng nghệ thuật mang tính biểu trưng cao như: hình long phượng, hình mây lửa chầu về mặt trời ở giữa bờ nóc.
Chẳng thế mà câu ca ngày nay vẫn vút lên: “Ôi vút cong mái đình! Ôi nước non ân tình! Hồn Việt Nam như thế…thuở bình minh..”
[Còn nữa…]
Trong các tuyến bài sau, chuyên trang Portfolio sẽ tiếp tục cập nhật các vấn đề xoay quanh nghệ thuật kiến trúc đình làng Việt Nam, các bạn quan tâm đón đọc nhé!