(Gotrangtri.vn) – Không ai biết chính xác làng nghề đan lát Bao La trên đất Huế có từ bao giờ, chỉ biết rằng, làng nổi tiếng với nghề đan thúng mủng sàng nia đã từ rất lâu, quanh năm gắn bó với tre nứa.
Hãy cùng Portfolio khám phá làng nghề độc đáo này nhé!
Làng nghề đan lát Bao La có từ bao giờ?
Làng nghề đan lát Bao La là một làng nghề thủ công truyền thống thuộc địa phận xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Làng nằm ven bờ Bắc trung lưu của con sông Bồ, hướng ra biển Đông, nổi tiếng với các sản phẩm thủ công là các loại vật dụng gần gũi quen thuộc với làng quê trong sinh hoạt gia đình và trong sản xuất nông nghiệp như thúng mủng, nong nia, giần sàng, rổ rá…tất cả đều được làm từ tre, nứa – loại cây gắn bó với đời sống bao làng quê và đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam.
Từ lâu, ở đây đã có câu ca dao truyền khẩu:
“Thúng mủng Bao La đem ra đựng bột.
Chiếu Bình Định tốt lắm ai ơi.
Tạm tiền mua lấy vài đôi.
Dành khi hiếu sự trải côi giường Lào”
Trên mảnh đất này, tre nứa là loại cây được trồng nhiều nhất, mọc quanh nhà, khắp đường làng ngõ xóm đâu đâu cũng thấy thân tre cây nứa.
Mặc dù là một nghề phụ nhưng nghề đan lát đã thu hút mọi lứa tuổi lao động trong gia đình và trong thôn xóm. Ở làng này từ người già đến trẻ con, phụ nữ đều biết đan.
Người khỏe mạnh tìm mua, đốn tre và vận chuyển đưa về làng. Người già cưa tre, chẻ nan, vót lạt, trẻ em đan lát, phụ nữ gánh sản phẩm tỏa đi khắp các chợ ở làng quê, thành thị.
Ở đây, mặc dù người dân trong làng đều biết đan giần, sàng, mủng, nia, rổ, rá nhưng người dân tự phân chia tổ chức sản xuất theo hộ gia đình và theo xóm.
Theo ý các cụ tổ mỗi xóm, các xóm cũng nên giữ nghề gia truyền của xóm mình để tránh cạnh tranh với láng giềng sinh mất hoà khí, ví dụ như: Xóm Đình và Xóm Hóp chuyên đan rổ rá các loại; Xóm Chợ thì chuyên đan giần, sàng; Xóm Đông chuyên đan thúng, mủng; Xóm Cầu chuyên đan nia, thúng, mủng; Xóm Chùa chuyên đan rá.
- Khám phá nét độc đáo của làng nghề truyền thống gốm Bát Tràng
- Khám phá nét độc đáo nghề dệt thổ cẩm của người Cơ tu – Tây Nguyên
- Chạm bạc Đồng Xâm – tinh hoa làng nghề truyền thống cổ đất Việt
Trước đây, khi các mặt hàng gia dụng bằng nhựa chưa xuất hiện và phổ biến trên thị trường thì những sản phẩm làm từ mây, tre, nứa là mặt hàng chủ đạo, từ các loại rổ rửa rau, chiếc rá vo gạo, đựng cá, các loại nong nia để phơi phong nông sản, thủy sản, giần sàng của nghề xay xát, đến chiếc giường, cái chõng, chiếc nôi cho trẻ ngủ, … tất cả đều được làm bằng tre..
Khi đó, làng nghề đan lát Bao La phát triển mạnh mẽ, là nơi cung cấp chủ yếu sản phẩm gia dụng bằng tre của dân Thừa Thiên – Huế.
Khi ấy, sản phẩm thủ công của làng được bày bán ở khắp các sạp chợ Đông Ba, tỏa đi khắp các chợ quê như chợ cầu ngói Thanh Toàn, chợ Phò Trạch…và được dân lái buôn chở đi khắp nơi để rao bán.
Tuy nhiên, khi xuất hiện các mặt hàng nhựa với màu sắc, mẫu mã đa dạng, phong phú thì nghề đan lát ở làng Bao La trầm hẳn do có tính cạnh tranh cao, hàng đan bằng tre càng khó tiêu thụ.
Làng nghề vẫn còn hoạt động nhưng không còn không khí rộn ràng, nhà nhà đan tre như xưa.
Để thích ứng với thị trường cũng như thị thiếu tiêu dùng của người dân, làng đã mở rộng phát triển thêm mặt hàng mây tre đan mỹ nghệ để phục vụ cho du lịch với việc thành lập hợp tác xã vào năm 2007.
Sau khi hợp tác xã được thành lập, vì quá mê những tinh xảo của làng nghề đan lát Bao La nên một chuyên gia của Tổ chức Thương mại EU đã giúp làng tạo ra 6 mẫu mới, từ 6 mẫu hàng đó, hợp tác xã đã sáng tạo thêm nhiều mẫu mới, đến nay đã có gần 50 mẫu được bán ra thị trường.
Sản phẩm do các nghệ nhân người làng nghề đan lát Bao La làm ra đưa đi tham dự các Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh đều đạt giải cao, cho thấy tay nghề của người dân ở đây đã đạt đến độ tinh xảo.
Để giữ nghề, người làng nghề đan lát Bao La xưa nay duy trì một truyền thống đó là gả con gái cho các chàng trai lực điền cùng thôn.
Chàng trai được chọn phải là người sức vóc, quang mạnh chiếc thúng thì chiếc thúng phải bung vành, có thế mới chứng tỏ được tài đan lát của họ ở độ khít cao, chắc bền của tấm mên. Cũng bởi thế, nghề đan lát ở đây vẫn được lưu giữ và truyền từ đời này sang đời khác.
Làng nghề đan lát Bao La – nghệ thuật từ đôi tay
Tuy là những vật dụng đơn giản, phục vụ đời sống sinh hoạt của con người nhưng để làm ra những sản phẩm này, người thợ đan lát phải bỏ ra khá nhiều công sức và độ kì công cao.
Để đứng ra sản xuất một mặt hàng hay dù đan gì đi nữa thì người thợ đan cũng thường trải qua 6 bước kĩ thuật sau để hoàn thành một sản phẩm gồm: Vót nan, gầy, đan, đát, lận, nứt.
Ban đầu, người ta chọn ra loại tre già dài lóng, để làm nan, độ dày mỏng với bề ngang to nhỏ khác nhau của nan hoàn toàn tùy thuộc theo loại sản phẩm: nan đan rá không giống nan đan thúng, mủng, nan đan rổ không giống nan giần, sàng….
Nan ra rồi thì phải trau chuốt cho có độ dày mỏng trơn láng thích hợp rồi mới đan, công việc này gọi là vót nan.
Tuy nhiên, muốn đan được nan thì trước hết phải sắp xếp những nan đầu tiên với nhau theo một lề lối riêng để tạo thành đường nét căn bản của sản phẩm. Công đoạn này người ta gọi là “gầy”, sau đó mới bắt tay vào đan.
Theo những nghệ nhân ở đây, đan nghĩa là gài cái nan này với những cái nan khác theo một nguyên tắc chồng chéo trên dưới nào đó để cho chúng tự giữ chặt với nhau, đan thưa, đan dày hay đan bít là tùy theo công dụng của sản phẩm.
Đan cũng có nhiều cách, nhưng thông dụng nhất vẫn là đan lục giác, đan lòng mốt, đan lòng hai….
Tiếp theo là công đoạn đát, tức là đan với nan nhỏ hơn và đan dày hơn, bao giờ cũng lâu hơn và cần tỉ mỉ hơn đan.
Để dễ phân biệt giữa đan và đát, nếu quan sát kĩ một chiếc rổ thì ở giữa là một mặt hình vuông, nan được xếp cách đều nhau, tạo ra những ô vuông trống hở, là mặt chính của rổ và đó là phần đan, chung quanh bốn phía của phần đan là những nan nhỏ hơn được đan khít với nhau thì đó chính là phần đát.
Lận là quá trình làm cho cái mê hình phẳng trở thành hình dạng của sản phẩm sao cho cái mê phải nằm lọt vào bên trong cái vành. Khi lận, họ chỉ dùng vành ngoài, lận xong mới dùng đến vành trong. Đây là công đoạn khá khó, cần sự mạnh mẽ nhưng khéo léo.
Cuối cùng, họ dùng mây để buộc vành trong, vành ngoài và cái mê lại với nhau theo một cách riêng, vừa đẹp vừa bền, gọi đây là công đoạn nứt. Khi nứt người ta không dùng lạt tre mà dùng mây vì mây dẻo dai và cho sợi dài, có thể nứt đơn hoặc nứt kép.
Vì sử dụng nguyên liệu là tre nứa tươi nên sau khi nứt xong, sản phẩm hoàn thiện, người dân sẽ đem đi phơi nắng cho khô hoặc dùng rơm đốt lửa để hơ cháy những xơ tre xổ ra ngoài, cũng là cách để chiếc thúng bén lửa, ngả màu sang màu vàng ruộm khói bếp; hoặc treo lên gác bếp để sản phẩm bén bồ hóng, vừa có màu đẹp mắt, vừa khô, sẽ có tác dụng chống mối mọt tốt hơn.
Ngày nay, ngoài cách truyền thống ấy vẫn còn sử dụng thì hợp tác xã đã áp sử dụng dầu toa để phủ lên sản phẩm hoặc máy sấy để bảo quản sản phẩm được tốt hơn.
Trên đây là một vài thông tin hữu ích về làng nghề đan lát Bao La – Huế dành cho những ai yêu thích khám phá văn hóa – mỹ nghệ truyền thống của dân tộc.
Đừng quên ghé xem chuyên trang gotrangtri.vn hàng ngày để đón đọc những bài viết hay về thiết kế nội thất nhà đẹp nhé!