(Gotrangtri.vn) Nhắc đến nghệ thuật cung đình phong kiến Việt Nam là nhắc đến kinh thành Huế hay còn gọi là cố đô Huế, nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong suốt 143 năm từ 1802 đến năm 1945. Hãy cùng Portfolio khám phá kiến trúc cung đình triều Nguyễn qua di tích kinh thành Huế ngay bây giờ.
Hiện nay, Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới.
Kiến trúc cung đình Huế tiếp thu và kế thừa kiến trúc truyền thống Lý, Trần, Lê đồng thời tiếp thu tinh hoa của mỹ thuật Trung Hoa nhưng đã được Việt Nam hóa một cách có ý thức dân tộc của các nghệ nhân từ các miền Nam Bắc quy tụ về xây dựng Kinh đô, kể cả những người thợ gốc Minh Hương Trung Quốc và Champa. Ðặc biệt đã được hiện đại hóa kỹ thuật của những công trình sư người Pháp phục vụ dưới thời Gia Long, theo phương châm cơ bản tiếp thu có chọn lọc những kiến trúc thích nghi với tâm hồn người Việt và Việt hóa dần để phù hợp với tâm lý bản địa đem lại những đặc trưng bản sắc kiến trúc Huế.
1. Kiến trúc kinh thành Huế: Hoàng thành Huế
Hoàng thành là công trình nổi bật mang đậm nét kiến trúc cung đình triều Nguyễn. Hoàng thành là vòng thành thứ 2 bên trong Kinh thành Huế, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm thành Huế.
Vòng thành kết cấu bằng gạch, có mặt bằng gần vuông, mỗi bề khoảng 600m, cao 4m, dày 1m, xung quanh có hào bảo vệ, gồm 4 cửa để ra vào, trong đó cửa chính ở phía Nam là Ngọ Môn. Bên trong thành đều được thiết kế hài hòa giữa thiên nhiên với các hồ lớn nhỏ, vườn hoa, cầu đá, các hòn non bộ và các loại cây lưu niên tỏa bóng mát quanh năm, tạo thêm vẻ thanh thoát cho hình ảnh Hoàng thành Huế.
Hoàng thành Huế gồm quần thể công trình được bố trí trên một trục đối xứng, phần trung tâm là các hạng mục chỉ dành riêng cho vua. Các công trình ở hai bên được phân bố chặt chẽ theo từng khu vực, tuân thủ nguyên tắc “tả nam hữu nữ”, “tả văn hữu võ”, tính từ trong ra. Ngay cả các miếu thờ cũng có sự sắp xếp theo thứ tự “tả chiêu hữu mục” (bên trái trước, bên phải sau, lần lượt theo thời gian).
Các công trình trong Hoàng thành dù có quy mô khác nhau nhưng tổng thể đều xây dựng theo kiểu kiến trúc “trùng lương trùng thiềm” tức là kiểu nhà kép hai mái trên một nền đá cao. Các cột được sơn thếp theo mô típ long – vân (rồng – mây). Thiết kế nội thất đa số được trang trí theo cùng một phong cách “nhất thi nhất họa” (một bài thơ kèm một bức tranh) với rất nhiều thơ bằng chữ Hán và các mảng chạm khắc trên gỗ theo đề tài bát bửu hay tứ thời một cách công phu tinh xảo, khiến khách du lịch Hoàng thành Huế không khỏi trầm trồ, thán phục.
2. Kiến trúc kinh thành Huế: Tử Cấm thành Huế
Tử Cấm thành Huế là vòng thành thứ 3 trong Kinh thành Huế. Đây là nơi cung cấm chỉ dành riêng cho vua và hoàng gia, được bảo vệ rất nghiêm ngặt, ngay cả quan lại nếu không phận sự hoặc được vua gọi cũng ít khi lai vãng.
Hệ thống kiến trúc trên sơ đồ Tử Cấm thành Huế được bố cục chặt chẽ và đăng đối, với hơn 50 công trình phân chia theo chức năng khác nhau. Điện Cần Chánh là nơi vua làm việc và thiết triều, gian giữa đặt ngai vua, tả hữu treo bản đồ thành trì các tỉnh. Hai bên có nhà Tả Vu, Hữu Vu là nơi các quan đứng đợi và chỉnh đốn sắc phục trước khi thiết triều. Đặc biệt, Điện Càn Thành trong Tử Cấm thành ở Huế chính là nơi vua ở, phía trước có sân rộng, ao sen… Cung Khôn Thái là nơi sinh hoạt của Hoàng Quý Phi và các phi tần mỹ nữ thuộc Nội Cung.
Ngoài ra, có nhiều cung điện, lầu tạ khác phục vụ ăn uống, sức khỏe và giải trí của hoàng gia như: Duyệt Thị Ðường (nhà hát), Thượng Thiện (nơi nấu ăn cho vua), Thái Bình Lâu (nơi vua đọc sách), một số hạng mục dành cho tín ngưỡng tâm linh. Có thể nói, nơi đây như một tiểu vũ trụ của hoàng gia. Và những bí mật Tử Cấm thành Huế thì luôn có sức hút đặc biệt với giới nghiên cứu cũng như khách du lịch trong và ngoài nước.
Trên đây là một số gợi ý của Go Home về kiến trúc cung đình Huế, đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo để khám phá những công trình kiến trúc văn hóa – mỹ nghệ khác của Việt Nam nhé!