(Gotrangtri.vn) Gỗ mfc là 1 trong những dòng gỗ công nghiệp được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực thiết kế nội thất hiện nay. Vậy bạn có thực sự hiểu về loại gỗ này? Hãy cùng Tạp chí Nhà đẹp khám phá trong bài viết dưới đây!
1. Gỗ mfc là gì?
Định nghĩa gỗ mfc
Gỗ mfc (Melamine Face Chipboard) là loại gỗ công nghiệp có cốt là ván dăm và bề mặt được phủ melamine – 1 loại giấy trang trí được sử dụng phổ biến cho các loại ván ép.
Cấu tạo của gỗ mfc
Gỗ mfc được cấu tạo từ cốt gỗ ván dăm và tấm phủ bề mặt melamine.
– Cốt gỗ ván dăm
Nguyên liệu chính để làm gỗ ván dăm (hay ván okal) là các loại gỗ rừng trồng ngắn ngày như keo, cao su, bạch đàn,… và phế liệu gỗ trong quá trình chế biến (bìa bắp, phoi bào, mùn cưa…). Ngoài ra, còn có thể sử dụng các loại thực vật mà trong thành phần cấu tạo có chứa Lignin và Cellulose. Chẳng hạn như rơm rạ, bã mía, thân cây bông, cây lanh hay cây gai dầu.
Thành phần của ván dăm bao gồm khoảng 80% gỗ, 9 – 10% keo Urea Formaldehyde (keo UF), 7 – 10% nước và dưới 0,5% thành phần khác như Parafin, chất làm cứng,…
– Bề mặt trang trí Melamine
Melamine là 1 loại giấy trang trí ép lên tấm vật liệu gỗ công nghiệp để ứng dụng vào sản xuất đồ nội thất gỗ. Về bản chất, đây là một loại giấy nền được tạo vân, tạo màu sắc để phù hợp với xu hướng nội thất, đáp ứng nhu cầu về cả công năng và tính thẩm mỹ cao cho các sản phẩm.
2. Quy trình sản xuất gỗ mfc
Là loại vật liệu công nghiệp phổ biến trong thiết kế nội thất, một tấm ván mfc hoàn chỉnh được tạo thành sau khi trải qua quy trình 3 bước.
Bước 1. Sản xuất ván dăm
Ván dăm là cốt gỗ của ván mfc. Nó có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của tấm ván. Do vậy, đây là bước quan trọng và được kiểm tra kỹ thuật kỹ lưỡng.
Đầu tiên, nguyên liệu thô (những thân gỗ, cành, ngọn, và các bìa bắp, đầu mẩu,…) được đưa vào máy nghiền chuyên dụng thành các dăm nhỏ có kích thước khác nhau. Chúng được sấy ở nhiệt độ quy định rồi được sàng lọc theo kích thước trước khi được trộn đều với các chất kết dính và các chất phụ gia.
Bước 2: Tạo hình ván dăm theo yêu cầu
Hỗn hợp các dăm gỗ và chất kết dính sau đó được đưa vào công đoạn tạo hình dựa trên các thông số về độ dày và mật độ. Sau khi ván đã được định hình theo tiêu chuẩn, chúng được đưa vào ép sơ bộ và tiếp đến là ép nóng dưới điều kiện nhiệt độ và áp suất cao.
Tiếp đến, các cạnh ván được xén bỏ các phần lỗi, cạnh và bề mặt ván được mài nhẵn và đem đi kiểm định chất lượng trước khi được ép bề mặt trang trí melamine lên trên.
Bước 3: Ép bề mặt trang trí Melamine
Khi tấm ván dăm đã hoàn thiện, người ta sẽ phủ lên đó 1 lớp giấy trang trí melamine để bảo vệ cốt gỗ và tạo tính thẩm mỹ cho ván. Sau công đoạn này, thành phẩm là những tấm ván mfc được tạo thành.
3. Phân loại gỗ mfc
Người ta thường phân loại ván mfc theo các tiêu chí cụ thể. Trong đó, 3 cách phân loại được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là phân loại theo kích thước, phân loại theo đặc tính và phân loại theo bề mặt.
Phân loại theo kích thước
Loại chuẩn
Ván mfc có 3 kích thước tiêu chuẩn tại Việt Nam là loại kích thước nhỏ, loại vừa và loại lớn.
Loại vượt khổ
Ngoài 3 kích thường tiêu chuẩn trên, để đáp ứng được nhu cầu thiết kế các sản phẩm có bề mặt lớn, đa dạng hóa các ý tưởng, các loại ván có kích thước vượt khổ cũng được sản xuất theo yêu cầu của khách hàng.
Phân loại theo đặc tính
Cách phân loại này phụ thuộc vào đặc tính của cốt gỗ ván dăm trong gỗ mfc.
Gỗ mfc thường
Loại này sử dụng ván dăm thường ép melamine. Chúng có độ cứng và độ giòn cao, khả năng chịu nước kém nên thường được ứng dụng trong đồ nội thất văn phòng. Gỗ mfc thường có màu vàng nâu tự nhiên của gỗ.
Gỗ mfc chống ẩm
Để tăng cường khả năng chống ẩm cho ván thì Melamine thường được thêm vào keo UF (còn gọi là keo MUF – Urea Formaldehyde biến tính bằng Melamine). Khi đó, ván chống ẩm được hình thành. Loại ván này có lõi được nhuộm màu xanh để giúp khách hàng có thể dễ dàng nhận biết và phân biệt với những loại ván khác.
Ván mfc chống ẩm thường được ứng dụng trong các sản phẩm nội thất gia đình.
Gỗ mfc chống cháy
Để tăng cường khả năng chống cháy cho ván mfc thì thạch cao và xi măng đôi khi được dùng làm chất kết dính. Ván chống cháy có lõi màu đỏ, được ứng dụng nhiều trong các công trình công cộng hay những nơi dễ cháy trong nhà ở như bếp nấu.
Phân loại theo bề mặt trang trí melamine
Nếu lấy bề mặt làm tiêu chí phân loại thì gỗ mfc bao gồm 3 loại chính là gỗ mfc vân đơn sắc, mfc vân gỗ và mfc vân đá. Mỗi loại bề mặt này đều có phong cách riêng, thích hợp với từng loại không gian riêng và theo sở thích của mỗi người. Melamine đơn sắc hiện đại, tinh tế; melamine vân gỗ thân thiện, gần gũi và melamine vân đá sang trọng, thanh lịch.
5. Ứng dụng của gỗ mfc
Gỗ mfc có độ cứng chắc và mang tính thẩm mỹ cao. Chúng thích hợp với cả các sản phẩm nội thất văn phòng và nội thất gia đình bởi đa dạng về chủng loại với các bề mặt lên đến khoảng hơn 80 màu với các bề mặt từ vân đơn sắc đến vân gỗ và vân đá.
Mời bạn cùng chiêm ngưỡng những thiết kế nội thất đẹp từ vật liệu gỗ mfc.
6. Lời kết
Trên đây, Portfolio vừa chia sẻ đến bạn một số thông tin quan trọng về gỗ mfc. Hi vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những kiến thức bổ ích và cần thiết, giúp bạn có thêm cho mình cơ sở để lựa chọn được những món đồ nội thất gỗ công nghiệp phù hợp và lý tưởng nhất. Chúc bạn thành công!
Lê Kiều Oanh – Tổng hợp