(Gotrangtri.vn) Đối với người Lự ở Lai Châu, phong tục nhuộm răng đen là một phong tục truyền thống lưu giữ từ nhiều đời nay.
Họ quan niệm rằng, người phụ nữ nào nhuộm răng càng đen, càng bóng thì càng đẹp và hấp dẫn. Hãy cùng Portfolio khám phá phong tục độc đáo này nhé!
Tìm hiểu về người Lự ở Lai Châu
Dân tộc Lự là một trong số ít các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Theo một số tài liệu nghiên cứu, người Lự thuộc ngành Tày – Thái.
Trên con đường thiên di về phía Nam, họ bị phân tán và sống xen kẽ với đồng bào dân tộc người Dao, người Mông…
Chính vì thế, một điều dễ nhận thấy là văn hóa của tộc người này có nhiều nét tương đồng với văn hóa của dân tộc Tày – Thái, song cũng đã có sự giao thoa, tiếp nhận thêm nhiều yếu tố văn hóa của các dân tộc khác.
Mặc dù có số dân chưa đến 6.000 người, sinh sống chủ yếu ở một số xã vùng cao thuộc các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Sìn Hồ (Lai Châu) nhưng người Lự lại sở hữu kho tàng bản sắc văn hóa đặc sắc, từ kiến trúc, ẩm thực, trang phục cho đến lối sống, sinh hoạt cộng đồng và phong tục tập quán phong phú.
Trong đó, đặc biệt nhất phải kể đến phong tục nhuộm răng đã tồn tại suốt hàng thế kỷ.
Phong tục nhuộm răng đen của người Lự
Đến thăm bản người Lự ở xã Nậm Pam, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, đâu đâu cũng có thể sẽ gặp được phụ nữ nhuộm răng đen.
Khác với người Kinh, từ lâu đã bỏ tục nhuộm răng đen, người Lự vẫn duy trì tục lệ này như một nét văn hóa đặc trưng. Với họ, hàm răng đen bóng vẫn là một tiêu chuẩn đánh giá nhan sắc của phụ nữ người Lự.
Ở đây, phụ nữ từ trẻ đến già đều nhuộm răng đen, và điều đặc biệt là trên hàm răng đen nhánh có hai cái răng cạnh bên phải được bịt vàng.
- Độc đáo sắc màu chợ phiên Bắc Hà Lào Cai – đặc trưng vùng cao Tây Bắc
- Độc đáo lễ cấp sắc của người Dao Tiền ở Sơn La
- Nhà trình tường của người Mông – Nghệ thuật xây dựng thủ công từ đá và đất
Xưa kia, các cô gái người Lự muốn lấy được chồng thì nhất định phải nhuộm răng đen, người nào sống trong gia đình có điều kiện sẽ cấy thêm vài cái răng vàng thì càng có giá.
Đó không chỉ là cách làm đẹp của riêng họ mà còn là sự tinh tế trong “bí quyết” nhuộm màu độc đáo đã thành truyền thống của dân tộc này.
Để có được một hàm răng đen nhánh, họ phải thực hiện rất nhiều bước. Đầu tiên, họ tìm kiếm nguyên liệu là những cánh kiến tán nhỏ, vắt thêm với nước chanh rừng và đem ngâm, giữ trên các gác bếp.
Sau khoảng một tuần, họ lấy thứ dung dịch đó đem phết vào hai mảnh lá cọ rồi ấp vào hai hàm răng lúc đi ngủ.
Trong khi thực hiện các thao tác này, họ phải kiêng nhai. Họ lặp đi lặp lại điều này khoảng 5-7 ngày cho đến khi hai hàm răng đỏ già ra màu cánh gián thì bôi thuốc đen vào.
Thuốc đen này được làm từ đường phèn đen trộn với cánh kiến, chỉ cần nhuộm 1-2 miếng là đen kịt rồi dùng dao đốt nóng cho nhựa chảy ra. Họ dùng nhựa ấy phết vào hàm răng, vậy là đã có hàm răng đen bóng với những nụ cười độc đáo.
Còn một phương pháp nhuộm răng đen khác hay được đồng bào Lự dùng, đó là đốt gỗ cây “mày tỉu” cho vào ống tre; sau đó lấy chảo gang vỡ hứng lấy muội khói tạo thành một lớp nhựa đen sệt; thỉnh thoảng nhuộm một lần để làm đẹp và phòng các bệnh răng miệng.
Đối với đồng bào dân tộc Lự nói riêng và các đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc Việt Nam nói chung, họ luôn có ý thức giữ gìn phong tục truyền thống.
Nếu tục xưa đã gắn với bản, với dân tộc thì bằng mọi cách, họ sẽ giữ tục như chính sự sống của họ. Vì thế, phong tục nhuộm răng đen của người Lự có giá trị thẩm mỹ cũng như giá trị văn hóa cao.
Ở một góc nhìn khác, người miền xuôi có thể thấy điều đó là lạc hậu, lỗi thời, song đồng bào Lự thì khác, họ cho rằng, đó là nét đẹp truyền thống cần được giữ gìn và lưu truyền mãi về sau.
Ngoài phong tục nhuộm răng đen, nguời Lự ở Lai Châu còn lưu giữ và duy trì rất nhiều tín ngưỡng khác trong đời sống văn hóa tâm linh cũng như tập tục sinh hoạt hằng ngày, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu tới Quý độc giả trong những bài viết sau.
Đừng quên ghé xem chuyên trang gotrangtri.vn hàng ngày để đón đọc những bài viết hay về thiết kế nội thất nhà đẹp nhé!