(Gotrangtri.vn) Trong hạng mục di sản văn hóa thế giới, Việt Nam có nhiều công trình được vinh danh. Điều này đã khiến cho du lịch Việt Nam ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.
Và trong bài viết này, mời bạn cùng Gỗ Trang Trí tìm hiểu về 5 di sản văn hóa vật thể được vinh danh di sản thế giới, được UNESCO công nhận.
1. Di sản văn hóa vật thể: Quần thể di tích cố đô Huế
Quần thể di tích cố đô Huế được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, nằm trong hạng mục di sản văn hóa vật thể ngày 03/7/1993 tại hội nghị tổ chức ở Colombia. Đây là di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới.
Quần thể được phân bố và thiết kế dọc theo tả ngạn và hữu ngạn sông Hương, thuộc thành phố Huế và một vài vùng ngoại ô thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nơi đây là kinh đô của Việt Nam thời Phong kiến – Triều đại nhà Nguyễn từ năm 1802 đến 1945.
Trải qua 143 năm dưới sự trị vì của 13 đời vua, kinh đô Huế đã hình thành một hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ quân chủ trung ương tập quyền Nhà Nguyễn ở Việt Nam thời bấy giờ.
Đó là một hệ thống thành quách mẫu mực, những công trình kiến trúc, lịch sử văn hóa vừa mang đậm dấu ấn của nghệ thuật kiến trúc phương Đông vừa có sự giao thoa với nghệ thuật kiến trúc phương Tây.
Tất cả được sắp đặt ở những vị thế đặc biệt lồng trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng toát lên một vẻ đẹp cổ kính, uy nghiêm nhưng vẫn rất trữ tình.
Một vẻ đẹp độc đáo của kinh đô “rất Việt Nam” với những công trình tiêu biểu như: Hoàng Thành, Tử Cấm Thành, Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Kỳ Đài,
Ngọ Môn và các ngôi điện Thái Hòa, Cần Chánh, Kiến Trung,..
Ngoài ra còn có 7 cụm lăng tẩm của 9 vị vua, Đàn Nam Giao, Hổ quyền, cùng nhiều kiến trúc đình, điện, chùa phật giáo cổ kính và nhiều địa danh thiên nhiên kỳ thú, thơ mộng như chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, Lăng Cô, núi Ngự, sông Hương,… đã góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp rất đặc trưng của cố đô Huế.
2. Di sản văn hóa vật thể: Khu đền tháp Mỹ Sơn
Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới ngày 01-12-1999.
Khu đền tháp Mỹ Sơn được phân bố tập trung trong một thung lũng được bao bọc xung quanh là đồi núi có đường kính khoảng 2km, từ Đông Trường Sơn đến kinh đô Trà Kiệu (nay thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Đây chính là khu thánh địa Ấn Độ giáo của vương quốc Chăm Pa được xây dựng và tồn tại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII. Đền tháp ở Mỹ Sơn được xây theo từng cụm.
Mỗi cụm thường có một đền thờ chính và bao quanh có nhiều tháp nhỏ hoặc một số công trình phụ. Đền tháp được xây bằng gạch, có ghép những mảng trang trí bằng sa thạch với kỹ thuật xây tường rất độc đáo là kỹ thuật mài chập xếp khít.
Sau khi xây xong tường mới điêu khắc chạm trổ hình hoa lá, người, thú linh lên tháp. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì Mỹ Sơn là nơi nghệ thuật kiến trúc Chăm Pa hội tụ một cách đầy đủ nhất.
Các phong cách được phát triển liên tục mà chủ yếu nhất là từ thế kỷ VII – XIII. Mỹ Sơn tập trung đến 70 đền tháp, 32 bia ký tồn tại ở nhiều dạng khác nhau.
Mặc dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử và tác động của mưa nắng, thời gian chúng không còn được hoàn toàn nguyên vẹn nhưng đây vẫn là những cứ liệu tốt và rất quan trọng để nghiên cứu tìm hiểu về nghệ thuật Chăm.
Đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc Chăm thường được bắt gặp trong các họa tiết trang trí nội thất như bàn trà gỗ, trường kỷ, tủ kệ,…
Đây là một nền nghệ thuật độc đáo chịu ảnh hưởng sâu sắc của Ấn Độ giáo có vẻ đẹp mang đậm nét văn hóa dân tộc hấp dẫn đến lạ kỳ.
3. Di sản văn hóa vật thể: Phố cổ Hội An
Phố cổ Hội An được Ủy ban di sản thế giới (thuộc UNESCO) chính thức công nhận là di sản văn hóa vật thể thế giới ngày 04-12-1999 tại Hội nghị thứ 23 tổ chức ở Maroc.
Phố cổ Hội An nằm ở vùng hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn, cách thành phố Đà Nẵng 30km về phía Nam – thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam. Đây là một cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam và hiếm có trên thế giới.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì “các kiến trúc cổ của đô thị cổ Hội An hầu hết được làm mới từ thế kỷ XIX mặc dù năm khởi dựng xưa hơn nhiều”.
Ở đây còn lưu giữ và bảo tồn gần như nguyên vẹn được trên 1000 di tích kiến trúc cổ bao gồm: các khu phố, nhà cửa, các hội quán, nhà thờ họ tộc, đình chùa, miếu mạo, giếng cổ,…
Các kiến trúc cổ ở đây hầu hết được xây bằng vật liệu truyền thống như gạch, gỗ, phong cách kiến trúc vừa mang yếu tố nghệ thuật Việt Nam vừa có sự tiếp thu tinh hoa kiến trúc của các nước phương Đông như Nhật Bản, Trung Hoa và cả phương Tây.
Điều đặc biệt của Hội An là mặc dù đã trải qua bao thế kỷ nhưng những phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng lễ hội, những món ăn truyền thống, nghề thủ công truyền thống vẫn được người dân gìn giữ, bảo tồn và lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay.
Hội An từng là một thương cảng, nơi có điều kiện giao lưu với nhiều nền văn hóa khác nhau nên người Hội An ngoài những giá trị văn hóa truyền thống đã tiếp thu tinh hoa của các nền văn hóa các dân tộc khác hình thành nên một bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng rất riêng và độc đáo.
Người Hội An hồn hậu, dễ gần và rất mến khách. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách khi tới khám phá khu đô thị cổ Hội An.
Đặc biệt, khi ghé thăm Hội An, du khách không thể bỏ lỡ lễ hội đêm rằm phố cổ. Dưới ánh đèn trang trí đẹp lung linh huyền ảo, khu phố hiện lên thật thơ mộng, là nơi bạn có thể thả mình với đất trời, với sông nước và cảnh quan nơi đây.
4. Di sản văn hóa vật thể: Khu di tích Hoàng thành Thăng Long
Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được Ủy ban di sản thế giới (thuộc UNESCO) chính thức công nhận là di sản văn hóa vật thể thế giới ngày 31-07-2010 tại Hội nghị lần thứ 34, tổ chức tại thủ đô Brasilia của Braxin.
Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội nằm trong khu vực thuộc quận Ba Đình – Hà Nội với tổng diện tích là 18,395ha.
Trong đó bao gồm khu khảo cổ học được khai quật (ở số 18 đường Hoàng Diệu) và các di tích còn lưu giữ được trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như: cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, Điện Kính thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn cùng phần tường bao và 8 cổng thành cung được xây dựng thời Nguyễn.
Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được hình thành từ thời nhà Lý, từ sau những năm 1011 cùng với kinh thành Thăng Long.
Kinh thành Thăng long được xây dựng theo mô hình “Tam Trùng Thành Quách”, bao gồm có 3 vòng thành: La thành hay còn gọi là Kinh thành bao quanh kinh đô men theo 3 con sông: sông Hồng, Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Tiếp đến là Hoàng thành (vòng thành thứ 2) và trong cùng là Tử Cấm thành (vòng thành thứ 3).
Trải qua hơn 10 thế kỷ với nhiều triều đại phong kiến cũng như bao biến cố thăng trầm trong lịch sử Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long đã có nhiều sự thay đổi, song riêng khu vực Tử Cấm thành hầu như vẫn được giữ nguyên vẹn, chỉ có các kiến trúc bên trong là có sự tu sửa, xây dựng thêm.
Vì vậy các di tích ở đây đã có mối liên hệ liên kết khá chặt chẽ tạo nên một tổng thể liên hoàn rất phức tạp nhưng rất phong phú và có sức hấp dẫn đặc biệt trong việc nghiên cứu về vấn đề quy hoạch đô thị và không gian kiến trúc tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử Việt Nam.
Đây cũng chính là giá trị độc đáo nhất của khu di tích
5. Di sản văn hóa vật thể: Thành nhà Hồ
Thành nhà Hồ được Hồ Quý Ly xây dựng năm 1397. Trong lịch sử Thành còn có nhiều tên gọi khác như: Thành An Tôn, Tây Đô, Tây Kinh, Tây Nhai, Tây Giai.
Thành được Ủy ban di sản thế giới (thuộc UNESCO) chính thức công nhận là di sản văn hóa thế giới ngày 27-06-2011 tại hội nghị lần thứ 35 tổ chức tại Paris (Pháp).
Phạm vi phân bố của Thành nhà Hồ gồm thị trấn Vĩnh Lộc và nhiều xã lân cận thuộc huyện Vĩnh lộc, tỉnh Thanh Hóa. Thành nhà Hồ là kinh đô của Việt Nam giai đoạn từ 1398 đến 1407.
Khu di tích Thành nhà Hồ bao gồm khu Thành nội, Hào thành, La thành và Đàn tế Nam Giao.
Trong đó Thành nội được xây dựng hình vuông, tất cả phần tường thành và 4 cổng chính được xây dựng bằng đá phiến xanh với kỹ thuật xây dựng và điêu khắc rất tinh xảo.
Hào thành được đào đắp bao quanh khu Thành nội có 4 cửa đá bắc vào 4 cửa của Thành nội. La thành của Thành nhà Hồ dài khoảng 10km là vòng thành ngoài được xây dựng để che chắn, bảo vệ cho thành nội được dựa theo địa hình sông núi tự nhiên và chủ yếu là đắp bằng đất, tường tre gai bảo vệ.
Đàn tế Nam Giao được xây dựng năm 1402, đây là một kiến trúc cung đình quan trọng – nơi các vua tế lễ tạ ơn trời đất, cầu quốc thái dân an.
Đàn Nam Giao có diện tích khoảng 43.000m2, có 5 nền đất với 5 bậc cấp.
Từ nền Đàn cao nhất đến nền thấp nhất có độ chênh lệch nhau tới 7,80m.
Thành nhà Hồ được đánh giá là “một công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn và sự kết hợp các truyền thống xây dựng độc đáo có một không hai ở Việt Nam, khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong thời kỳ cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV”.
Trên đây, Gỗ Trang Trí đã chia sẻ đến bạn 5 di sản văn hóa vật thể của Việt Nam được vinh danh là di sản văn hóa thể giới.
Hi vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích. Để cập nhật thêm nhiều tin tức văn hóa cũng như xu hướng thiết kế nội thất mới nhất từ các sản phẩm nội thất gia đình như: tủ áo, giường ngủ, bàn trà, kệ tivi, tủ thờ cho đến các sản phẩm nội thất văn phòng, cửa hàng,…Hãy truy cập thường xuyên vào gotrangtri.vn để cập nhật được những xu hướng hot nhất nhé!
Lê Kiều Oanh – Theo Báo Lâm Đồng