(Gotrangtri.vn) Vùng đất Phố Hiến thuộc tỉnh Hưng Yên từ lâu đã được mệnh danh là thương cảng lớn bậc nhất của nước ta, có nền văn hóa đa dạng, được sánh ngang với kinh thành Thăng Long: “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
Để hiểu rõ hơn về mảnh đất giàu truyền thống này, hãy cùng chuyên trang Portfolio bắt đầu chuyến hành trình tìm hiểu về đặc trưng của các lễ hội văn hóa Phố Hiến nhé!
1. Lễ hội văn hóa Phố Hiến: Truyền thống lịch sử
Phố Hiến – đệ nhị danh thắng của miền Bắc, là một trong những điểm đến thú vị thu hút du khách du lịch.
Nơi đây không chỉ đẹp về cảnh sắc thiên nhiên mà còn có một truyền thống lịch sử với nhiều lễ hội văn hóa Phố Hiến nổi tiếng.
Phố Hiến là địa danh lịch sử, là nhân chứng lịch sử cùng phát triển với vận mệnh của dân tộc.
Ngay từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13, có một bộ phận dân tị nạn Trung Quốc đã đến đây sinh sống. Cùng lúc đó, một số người Việt từ nhiều địa phương khác nhau cũng dần dần đến sinh sống tại địa điểm tụ cư này để buôn bán và làm ăn.
Theo sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, thì tên Phố Hiến có xuất xứ từ chữ Hiến của Hiến Doanh hay Hiến Nam, vốn là cơ quan hành chính của trấn Sơn Nam xưa.
Nhiều khả năng tên gọi Phố Hiến lần đầu xuất hiện vào cuối thế kỷ 15 trong công cuộc cải cách hành chính của vua Lê Thánh Tông. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ 17, Phố Hiến mới trở thành một trung tâm chính trị – kinh tế có nhiều mối giao lưu quốc tế.
Thế kỷ 17-18, Phố Hiến đã có giao thương với rất nhiều nước trên thế giới, từ châu Á đến châu Âu như: Anh, Pháp, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Trung Hoa… trở thành thương cảng nổi tiếng trong nước cũng như trên khu vực.
Trong lịch sử, Phố Hiến là một đô thị đa quốc tịch, trong đó nhiều nhất là người Việt và người Hoa. Phần lớn người Việt cự ngụ ở Phố Hiến là từ các địa phương khác đổ về sinh sống làm ăn, đó là một cộng đồng cư dân tứ xứ.
Do đó, nét sinh hoạt và văn hóa tín ngưỡng ở đây đa dạng, nhiều cộng đồng khác nhau.
Phố Hiến sớm phát triển, đem lại cho đất nước nhiều lợi ích về giao thương, phát triển kinh tế và cả bề dày truyền thống văn hóa cao đẹp, đáng là niềm tự hào của cả dân tộc.
Và lễ hội văn hóa Phố Hiến được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh giá trị độc đáo của người dân địa phương cùng với bộ phận người nước ngoài đến sinh sống lâu đời.
2. Lễ hội văn hóa Phố Hiến: các di tích lịch sử, kiến trúc độc đáo
Đến Phố Hiến, ngoài việc sống lại thời kỳ huy hoàng của một thương cảng từ thế kỷ 13 đã đón tiếp hàng ngàn tàu của nhiều quốc gia trên thế giới.
Với bề dày lịch sử phát triển sầm uất, cùng với sự đa dạng về văn hóa đã để lại cho Phố Hiến rất nhiều di tích lịch sử quý giá.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, Phố Hiến vẫn còn bảo tồn được hơn 100 di tích lịch sử-văn hóa có giá trị, đã có 18 di tích được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa quốc gia có giá trị về lịch sử. Những di tích trên thu hút rất đông khách du lịch, nhất là vào dịp lễ hội văn hóa Phố Hiến.
Điều đặc biệt là các di tích phân bố ở khắp các phường, xã… tạo thành một quần thể di tích với nền kiến trúc nghệ thuật độc đáo như Văn Miếu Xích Đằng, Chùa Chuông, Đền Trần, Đền Mẫu, Đình Chùa Hiến, Đông Đô Quảng Hội…
Ngoài ra, bạn còn có dịp chiêm ngưỡng một một quần thể kiến trúc cổ gồm 60 di tích lịch sử, 100 bia ký và nhiều đền chùa với ba nền văn hóa Hoa, Nhật, Việt.
Trong quần thể kiến trúc cổ ấy, nổi bật là chùa Hiến (thời Trần) với cây nhãn tổ tương truyền từng được hái dâng cho đức Phật; chùa Chuông với tấm bia đá cao 165cm, rộng 110cm dựng vào năm Tân Mão.
Văn Miếu Xích Đằng với 9 tấm bia có ghi danh các nhà khoa bảng; Đền Mẫu, danh thắng đẹp nhất của Phố Hiến với phía trước đền là hồ Bán Nguyệt thơ mộng, một bên là phố Nguyệt Hồ sôi động, một bên là đê Đại Hà thoáng đãng…
3. Khám phá lễ hội văn hóa Phố Hiến
Phố Hiến vừa là điểm hội tụ vừa là điểm giao thoa giữa các nền văn hóa, hình thành nên nét văn hóa đặc sắc riêng của đất và người.
Phố Hiến ngày nay là nơi bảo lưu gần như nguyên vẹn những di tích lịch sử có kiến trúc độc đáo, những tín ngưỡng, phong tục, tập tục của thương cảng sầm uất một thời.
Hàng năm, từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 3 Âm lịch, người dân Phố Hiến – Hưng Yên đều tổ chức lễ hội văn hóa dân gian truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cao đẹp của quê hương.
Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến là một lễ hội truyền thống lớn của tỉnh Hưng Yên được tổ chức trong không gian văn hóa cổ xưa tại các di tích lịch sử đền Mẫu, đền Trần, đình – chùa Hiến, đền Thiên Hậu, chùa Chuông, Văn Miếu…, với sự tham gia của 12 xã, phường thuộc thành phố Hưng Yên.
Trong lễ hội, các nghi lễ được tổ chức long trọng như lễ dâng hương, lễ cầu an, lễ rước kiệu… nhằm khôi phục, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và các hoạt động văn hóa tín ngưỡng ở các đình, đền, chùa…
Đặc sắc nhất là phần rước kiệu, đoàn rước với sự tham gia của hàng nghìn người, kéo dài 2km, rước qua các tuyến phố chính và các đình, đền, chùa trong thành phố.
Các nghi thức lễ hội văn hóa Phố Hiến thể hiện niềm tin, lòng kính trọng, tôn thờ tới những vị tiên, Phật, những vị thánh, những anh hùng dân tộc đã có công khai phá tạo nên cuộc sống yên vui cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Trong lễ hội, các trò chơi dân gian cũng được tổ chức rất náo nhiệt, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia: Đua thuyền trên hồ Bán Nguyệt, đi cầu kiều, trò chơi kéo co, chọi gà…
Những trò chơi này được người dân Phố Hiến bảo lưu, gìn giữ truyền qua các thế hệ, đã phần nào khắc họa bức tranh sinh động về Phố Hiến tấp nập, hưng thịnh một thời.
Ngoài ra, lễ hội văn hóa Phố Hiến còn tổ chức các hoạt động: hát ca trù, trống quân; hội thi thả diều sáo, trưng bày, giới thiệu đặc sản vùng Phố Hiến; trưng bày, giới thiệu cổ vật…
Đắm mình trong không khí lễ hội, du khách được tìm hiểu sâu thêm về truyền thống dân tộc, khơi dậy lòng tự hào tự tôn dân tộc; được khám phá những nét độc đáo riêng về ẩm thực, nghệ thuật truyền thống và các trò chơi dân gian độc đáo của vùng đất “Tiểu Tràng An” xưa.
Đến với Phố Hiến và lễ hội văn hóa Phố Hiến, bạn sẽ được hướng lòng mình tưởng nhớ tới công lao của những bậc tiền nhân; được thưởng ngoạn và tìm hiểu về những di tích lịch sử có giá trị và hiểu thêm về lịch sử văn hóa của dân tộc.
Đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo của gotrangtri.vn để tìm hiểu những giá trị văn hóa của dân tộc cũng như kinh nghiệm thiết kế nội thất nhà đẹp nhé!
Thu Hà – Tổng hợp nguồn internet